Quy định hợp lý tiêu chuẩn bổ nhiệm và thù lao cho hòa giải viên

Ủy ban Tư pháp đã tiến hành khảo sát ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòa Bình... nhằm nắm bắt tình hình thực hiện hòa giải, đối thoại, tìm ra những điểm mới, ưu việt của hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Quy định hợp lý tiêu chuẩn bổ nhiệm và thù lao cho hòa giải viên ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. (Nguồn: Quochoi.vn)

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 13, ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được quy định trong nhiều văn kiện và các quy định của pháp luật.

Hòa giải, đối thoại thành giúp các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà không cần phải mở phiên tòa xét xử; rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc; tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và các bên; hàn gắn những rạn nứt trong các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Tại Kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Để phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự án luật này, thời gian qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành khảo sát tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòa Bình... nhằm nắm bắt tình hình thực hiện hòa giải, đối thoại, tìm ra những điểm mới, ưu việt của hòa giải, đối thoại tại tòa án trước tố tụng so với trong tố tụng, có giải pháp hoàn thiện dự án Luật.

Trình bày tờ trình dự án Luật, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết, trước khi tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng.

[Có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác giám định tư pháp]

Phương thức hòa giải, đối thoại hiện hành cũng còn những hạn chế; không linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương pháp tiến hành.

Trong khi đó, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp, mỗi thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho tòa án.

"Hòa giải, đối thoại tại tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và đòi hỏi lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp," tờ trình nêu rõ.

Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao đã triển khai thực hiện Kế hoạch thí điểm đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quá trình thực hiện đã thu được những kết quả tích cực; các vụ việc hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ khá cao.

Đại diện Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về dự án luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định trong dự thảo luật này là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án Nhân dân tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành.

Theo ông Nguyễn Văn Luật, cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành.

Đồng thời, dự án Luật cần thể chế hóa những ưu điểm đã đạt được từ hoạt động thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận và đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật đã đảm bảo phù hợp với các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần có sự đồng bộ với các cơ chế, chính sách về hòa giải, đối thoại đã được pháp luật quy định. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ cơ chế trả thù lao cho hòa giải viên, đối thoại viên, nguồn kinh phí dành cho những người làm công tác này được lấy từ đâu, có như vậy mới bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật.

Quy định hợp lý tiêu chuẩn bổ nhiệm và thù lao cho hòa giải viên ảnh 2Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng phát biểu. (Nguồn: Quochoi.vn)

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên, điều 10 dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, dưới 70 tuổi (trừ trường hợp đặc biệt do Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định), có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của tòa án. Nếu đủ các điều kiện này thì thẩm phán, kiểm sát viên, những chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác… có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên, đối thoại viên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đối với luật sư, tiêu chuẩn “có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác” là dài, vì thực tiễn hoạt động của luật sư đều có liên quan đến tư vấn pháp luật, hòa giải, không nhất thiết phải ấn định thời gian cụ thể, chỉ cần quy định “có kinh nghiệm…" là đủ.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, nghiên cứu để chỉnh sửa dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo kế hoạch, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thảo luận và tháng 5/2020 Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục