Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1

“Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc tổ chức thi,” Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia nói.
Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 ảnh 1Thí sinh làm thủ tục dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày mai, cả triệu thí sinh trên khắp 63 tỉnh thành sẽ chính thức dự thi môn đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đợt một. Đây là kỳ thi duy nhất được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, cũng là kỳ thi quan trọng nhất với thí sinh sau 12 năm đèn sách, lại diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Vì thế, công tác chuẩn bị thi đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, với sự chủ trì của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền các địa phương, sự phối hợp của nhiều bộ ngành, lực lượng.

“Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc tổ chức thi,” Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia nói.

Quyết liệt phòng dịch

Mục tiêu số một được Ban chỉ đạo thi quốc gia đặt ra là phải đảm bảo an toàn về sức khỏe trước dịch bệnh cho thí sinh và cán bộ làm công tác thi. Vì thế, nhiều giải pháp linh hoạt đã được triển khai, từ chủ trương tổ chức thi tới cách bố trí từng điểm thi, phòng thi.

Tại Thanh Hóa, theo Giám đốc Sở Trần Văn Thức, toàn tỉnh có hơn 38.500 thí sinh đăng ký dự thi tại 75 điểm thi, với trên 1.700 phòng thi. Tỉnh đã điều động khoảng 6.500 người tham gia công tác coi thi. Tất cả các điểm thi đều đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa hình an toàn, ít bị ảnh hưởng, tác động khi gặp sự cố về thiên tai bão lụt. Tại mỗi điểm thi đều bố trí từ một đến hai phòng thi dự phòng, đảm bảo các điều kiện về bàn ghế, quạt mát, ánh sáng… như các phòng thi chính thức.

Các điểm thi đã phối hợp với cơ quan y tế địa phương, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực tổ chức thi, chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, các dụng cụ, máy đo thân nhiệt đảm bảo đáp ứng với số lượng thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tại điểm thi.

Tại Hà Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quốc Anh cho hay toàn tỉnh bố trí 35 điểm thi. Tại mỗi điểm thi, ngoài phòng thi dự phòng để sử dụng khi có thí sinh là F1 hoặc các trường hợp nghi nhiễm, địa phương còn bố trí một phòng để cách ly tạm thời khi có thí sinh phát hiện là F1 hoặc các trường hợp nghi nhiễm trong thời gian thi, một phòng lưu giữ thí sinh vi phạm quy chế.

Tại Thái Bình, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục xây dựng các phương án tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Tất cả thành viên trong ban in sao đề thi, cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi được tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19. Lực lượng tham gia ban làm phách bài thi tự luận được xét nghiệm nhanh. Mỗi huyện/thành phố trong toàn tỉnh bố trí một điểm thi dự phòng, sẵn sàng cho tình huống nếu trong quá trình thi xuất hiện nhiều thí sinh diện F1, F2, thí sinh trong khu vực phong toả mới sẽ tổ chức cho thí sinh đó thi tại điểm thi dự phòng.

Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 ảnh 2Các điểm thi được phun khử khuẩn trước kỳ thi và sau mỗi buổi thi. (Ảnh: TTXVN)

Ở các địa phương có tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã tổ chức gấp rút xét nghiệm không chỉ cho cán bộ làm công tác thi mà cho toàn bộ thí sinh tham gia kỳ thi thi.

Đảm bảo kỳ thi nghiêm túc

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn về sức khỏe cho thí sinh và cán bộ làm công tác thi, kỳ thi còn phải đạt cho được mục tiêu nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động tới 2.000 cán bộ của khoảng 200 trường đại học, cao đẳng tham gia công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh lực lượng thanh tra của Bộ còn có lực lượng thanh tra của các địa phương, sự vào cuộc của lực lượng công an.

Tại Hà Tĩnh, công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án bảo vệ kỳ thi; đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra các kỳ thi… Trong đó đặc biệt chú trọng công tác bảo mật đề thi, vận chuyển bài thi, coi thi, chấm thi…

[Tốt nghiệp THPT 2021: Quan tâm hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh]

Tại Nghệ An, ban in sao đề thi gồm 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên, bắt đầu làm việc từ ngày 26/7. Các thành viên tham gia làm đề thi được cách ly triệt để với bên ngoài. Người làm việc trong khu vực cách ly đeo phù hiệu và chỉ hoạt động trong phạm vi cho phép, chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi.

Tại Thừa Thiên Huế, phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối công tác in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi và bảo quản đề thi, bài thi được quan tâm đặc biệt. Theo đó, ban vận chuyển và bàn giao đề thi được thia thành 6 tổ công tác theo 6 tuyến phù hợp với lộ trình di chuyển. Mỗi tuyến đều có lực lượng công an bảo về đề thi trong quá trình chuyển đề. Tại mỗi điểm thi đều bố trí phòng chứa hai tủ có khóa, trang bị camera theo dõi quá trình tác nghiệp và được hai cán bộ an ninh trực 24/24 giờ, phó trưởng điểm thi trực theo quy định.

“Công tác chuẩn đã hoàn tất, sẵn sàng tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng,” ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế nói.

Ngày mai, thí sinh sẽ dự thi môn đầu tiên là Ngữ văn vào buổi sáng, theo hình thức thi tự luận, thời gian làm bài thi là 120 phút. Đây cũng là môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục