Sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Hà Tây vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Theo chủ trương của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, đến năm 2025, các cơ sở đào tạo của Thủ đô gồm Trường ĐHH Thủ đô Hà Nội và Trường CĐSư phạm Hà Nội tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên.
Sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Hà Tây vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội ảnh 1Sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. (Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 12/5/2023 sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện việc sáp nhập theo quy định của pháp luật.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở đào tạo công lập, được nâng cấp trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thành lập ngày 6/1/1959.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được thành lập theo quyết định số 2402/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây tiền thân là trường Trung cấp Sư phạm liên tỉnh Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây được thành lập ngày 12/11/1959 tại khu học xá Đông Phù, thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4909/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Thủ đô giai đoạn 2021-2025” tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây theo đề xuất của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Mục tiêu chung đề án hướng đến là nâng cao chất lượng các thành tố chất lượng, từ đó nâng cao chất lượng tổng thể của các cơ sở đào tạo thuộc phạm vi đề án, phục vụ cho nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, thực hiện Chương trình 06/CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025."

Mục tiêu cụ thể là 100% giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt yêu cầu phẩm chất, trình độ đào tạo, năng lực thực tế và được bồi dưỡng chuyên môn hằng năm; 30-35% đội ngũ giảng viên của trường Đại học Thủ đô Hà Nội; 15% của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây đạt trình độ tiến sỹ vào năm 2025.

Cùng với đó, xây dựng 13 chương trình đào tạo trình độ đại học, 8 thạc sỹ, 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sỹ, 4 chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng và mở mã ngành.

Giữ vững quy mô tuyển sinh đối với 2 cơ sở đào tạo đối với các ngành hiện có và tăng quy mô tuyển sinh hàng năm 3-5%, đồng thời, mở rộng đào tạo song ngành; tổ chức tự đánh giá 12 chương trình đào tạo trình độ đại học; 12 chương trình đào tạo trình độ đại học được tổ chức đánh giá ngoài và đạt chất lượng kiểm định, được cấp giấy chứng nhận bởi trung tâm kiểm định; 2 chương trình đào tạo trình độ đại học trong các lĩnh vực Ngôn ngữ và Khoa học giáo dục được kiểm định theo tiêu chuẩn của các trường đại học Đông Nam Á và được cấp phép đạt tiêu chuẩn chất lượng của các trường đại học Đông Nam Á.

Mỗi năm biên soạn 8 giáo trình/ngành đào tạo, hệ thống học liệu điện tử được xây dựng đảm bảo phục vụ đầy đủ cho giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên ở từng môn học của tất cả chương trình đào tạo…

[ĐH Sư phạm Hà Nội công bố điểm thi đánh giá năng lực vào đầu tháng Sáu]

Theo chủ trương của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây sáp nhập vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vào giai đoạn 2021-2025.

Đến năm 2025, các cơ sở đào tạo của Thủ đô gồm Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên.

Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ ngày 2/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã đưa ra ha định hướng chính đối với các trường cao đẳng sư phạm: một là sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học; hai là hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia và theo nguyện vọng của các trường cao đẳng sư phạm, định hướng sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào các cơ sở giáo dục đại học là phương án có tính khả thi cao hơn và phù hợp hơn để gìn giữ nền tảng, truyền thống đào tạo giáo viên của các trường trong mấy chục năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục