Sẽ thu hồi giấy phép dự án chậm xử lý về chất thải

Đến cuối tháng 12, doanh nghiệp không triển khai thực hiện dự án đầu tư xử lý chất thải như cam kết ở Đồng Nai sẽ bị thu giấy phép.
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu đến cuối tháng 12/2013 sẽ thu hồi giấy phép những doanh nghiệp không triển khai thực hiện dự án đầu tư xử lý chất thải như cam kết.

Động thái này được thực hiện trước thực trạng lượng chất thải sinh hoạt và nguy hại ngày càng tăng, trong khi đó dự án đầu tư khu xử lý chất thải của các doanh nghiệp còn triển khai quá chậm theo giấy phép được cấp.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 126,5 tấn chất thải nguy hại nhưng số lượng thu gom chỉ đạt gần 108 tấn/ngày. Ngoài ra, 90% chất thải nguy hại được các đơn vị thu gom vận chuyển ra ngoài tỉnh mới xử lý, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Một số trường hợp, sau khi vận chuyển chất thải nguy hại ra ngoài tỉnh, đơn vị thu gom đã lựa chọn các chất thải có thể tái chế được lấy đem bán, số còn lại đem đổ trộm ở những khu vực vắng người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kiểm tra dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành.

Kết quả cho thấy dự án này mới chỉ thi công được khu xử lý chất thải sinh hoạt rộng 3ha trên diện tích 94ha được giao. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 tấn rác sinh hoạt được chuyển về khiến lượng rác ngày càng tăng lên.

Rác tại đây chủ yếu được xử lý theo hình thức đốt cháy nên gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân sống quanh khu vực hết sức bức xúc.

Hiện tỉnh đang tiến hành đóng cửa các bãi rác tự phát tại những vùng đã vận hành các khu xử lý chất thải hợp vệ sinh. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện còn 28 bãi rác tạm cần được giải tỏa, xử lý. Hầu hết các bãi rác tạm đều gây ô nhiễm môi trường nên thời gian qua các địa phương đã đóng cửa 13 bãi rác tạm nằm gần các khu dân cư.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 trong số 9 khu xử lý chất thải đi vào hoạt động với tổng công suất gần 670 tấn/ngày, trong đó xử lý chất thải sinh hoạt khoảng 606 tấn/ngày và xử lý chất thải nguy hại gần 63 tấn/ngày.

Ngoài ra, còn có 2 khu xử lý chất thải là Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đang trong giai đoạn vận hành thử, trong quý II này sẽ tiếp nhận chất thải để xử lý và 6 dự án đang tiến hành các thủ tục triển khai xây dựng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 110 tổ chức, cá nhân tham gia thu gom, xử lý chất thải nên việc cạnh tranh cũng rất gay gắt, khiến hầu hết các nhà máy sau khi hoàn thành đều vận hành dưới công suất thiết kế do thiếu chất thải, rác thải.

Trong khi đó, các nhà đầu tư được cấp giấy phép nhưng chậm triển khai dự án xử lý rác thải cho rằng hầu hết các dự án khi triển khai đều khó khăn trong việc vay vốn, do tính thanh khoản không cao nên các ngân hàng không mặn mà cho vay.

Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc vay vốn để thực hiện các dự án, đồng thời sớm thông qua phương án thu phí xử lý rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại./.

Lê Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục