Siết chặt “đường cổ chai" buôn bán thú hoang dã

Sau 2 năm thực hiện dự án thực thi pháp luật, "điểm nóng" buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã qua Thừa Thiên Huế đã được thắt chặt.
Ngày 29/6, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, sau hai năm thực hiện dự án “Hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật nhằm làm giảm nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã trên và qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, hiện "điểm nóng" buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã qua tỉnh này đã được thắt chặt.

Cụ thể, từ tháng 2/2009 đến tháng 6/2011, cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế đã bắt giữ 88 vụ vi phạm pháp luật về buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Đặc biệt, đã giải cứu và thả lại về rừng được 731 cá thể động vật rừng còn sống, tịch thu và tiêu huỷ hơn 900kg thịt động vật hoang dã, xử phạt 178 triệu đồng, 1 giấy phép kinh doanh và nhiều tang vật khác bị thu giữ.

Huế thuộc khu vực Trung Trường Sơn, nằm giữa bên giới Lào và Việt Nam là nơi cư ngụ của nhiều loài được xếp hạng bảo tồn toàn cầu như như hổ, voi châu Á, và một số loài động vật đặc hữu không có ở bất kì nơi nào khác trên thế giới như loài Saola.

Nhưng đây cũng là khu vực được công nhận là “vùng nóng” của các hoạt động buôn bán, trung chuyển động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam.

Động vật thường bị săn bắt từ nước láng giềng như Lào và Campuchia rồi trung chuyển qua địa bàn Thừa Thiên Huế ra các tỉnh phía bắc và Trung Quốc để tiêu thụ, làm thuốc, thú nuôi hoặc đồ trang trí cho những gia đình giàu có.

Theo điều tra của phóng viên TTXVN tại địa bàn, hiện nay có khoảng 10-15 hộ, với gần 100 nhân khẩu tại khu vực cầu Tuần lâu nay chuyên kinh doanh, buôn bán thịt động vật hoang dã.

Trên khắp tuyến đường từ thành phố Huế lên lăng Khải Định la liệt các quán nhậu thịt thú rừng. Còn tại khu vực chợ Bến Ngự, chợ Nam Giao, hoặc đường lên ngã ba cầu Tuần, người dân dễ dàng mua được thịt thú rừng bất kể lúc nào.

Hiệp Hội Quốc tế về Bảo Tồn Thiên nhiên cho biết “mục đích của dự án là làm gián đoạn đường dây buôn lậu động vật hoang dã ở những điểm cung cấp và những tuyến đường vận chuyển động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh”.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc dự án cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một số kết quả khả quan khi tập trung vào con đường cổ chai nói trên, và chúng tôi hy vọng có thể áp dụng mô hình này trên phạm vi cả nước. Đồng thời, chính quyền và cộng đồng vẫn cần phát huy hoạt động bảo vệ với mức quan tâm sâu rộng hơn, đặc biệt sau khi cá thể tê giác Java tìm thấy bị bắn chết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 4 năm 2010.”/.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục