Sự thực về việc vốn đầu tư nước ngoài 'tháo chạy' khỏi Trung Quốc

Theo dữ liệu tần suất cao của IIF, đã có sự thay đổi đáng kể sau khi dòng tiền đạt đỉnh vào giữa tháng 12/2021, đặc biệt, dòng tiền thoát khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh.
Sự thực về việc vốn đầu tư nước ngoài 'tháo chạy' khỏi Trung Quốc ảnh 1Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), vào cuối tháng Ba vừa qua, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường Trung Quốc với quy mô “chưa từng thấy."

Hơn nữa, trong khi nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc thì các thị trường mới nổi khác vẫn duy trì sự ổn định. Đây cũng là hiện tượng chưa từng thấy trước đây.

Theo dữ liệu tần suất cao của IIF, đã có sự thay đổi đáng kể sau khi dòng tiền đạt đỉnh vào giữa tháng 12/2021. Đặc biệt, dòng tiền thoát khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh vào cuối tháng Hai.

“Tiền nóng” nước ngoài thoát khỏi thị trường chứng khoán

Vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc thường chia thành hai loại. Một loại là vốn sản xuất đầu tư vào các doanh nghiệp của Trung Quốc, chủ yếu là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phần lớn là đầu tư dài hạn. Một loại là vốn đầu tư tài chính, đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, ngoại hối… trên thị trường chứng khoán, thường gọi là “tiền nóng."

Do dòng tiền này có tính thanh khoản tương đối mạnh trên thị trường thứ cấp nên mang đặc trưng ngắn hạn. Dữ liệu tần suất cao mà IIF thống kê thuộc về loại thứ hai.

Dịch COVID-19 bùng phát đã hơn 2 năm, Trung Quốc vẫn duy trì vai trò “công xưởng thế giới," tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu năm 2021 đột phá ngưỡng 6.000 tỷ USD, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay. Với tư cách là nước có quy mô nhu cầu thị trường lớn nhất, chuỗi sản xuất hoàn thiện và chuỗi cung ứng ổn định nhất, Trung Quốc đã thu hút nguồn vốn sản xuất khổng lồ.

Năm 2021, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đạt 1.149,36 tỷ nhân dân tệ (khoảng 180,7 tỷ USD), tăng 14,9% so với năm trước, quy mô thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất từ trước đến nay.

Trong hai tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tăng 37,9% so với cùng kỳ, tốc độ tăng đạt mức cao mới dựa trên hệ số cơ sở cao của năm trước. Đây là cơ sở để xem xét vốn đầu tư nước ngoài có coi trọng thị trường Trung Quốc hay không.

Nếu quay lại góc độ thị trường vốn, từ nửa cuối năm 2021 đến nay, dòng vốn tài chính nước ngoài bắt đầu tháo chạy, đặc biệt là từ tháng Ba năm nay, dòng vốn tài chính nước ngoài thoát nhanh khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Theo số liệu của Công ty lưu ký và thanh toán trái phiếu chính phủ Trung Quốc, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã giảm nắm giữ 66,9 tỷ nhân dân tệ trái phiếu ủy thác trong tháng Hai, ghi nhận lần đầu tiên giảm lượng trái phiếu nắm giữ từ tháng 11/2018. Nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài giảm 35,4 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ, lần đầu tiên giảm kể từ tháng 3/2021. Xét từ góc độ này, dữ liệu theo dõi của IIF là hoàn toàn chính xác.

[Trung Quốc đứng trước sự gia tăng những thách thức kinh tế-xã hội]

Một phần nguyên nhân dẫn đến xuất hiện tình trạng này là xung đột Nga-Ukraine khiến cho các nhà đầu tư theo thu nhập cố định toàn cầu thu hồi vốn. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã đóng băng kho dự trữ ngoại hối USD và euro mà Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ, khiến cho thị trường dự đoán Nga có thể bán tài sản Trung Quốc đang nắm giữ để huy động vốn.

Tuy nhiên, một nhân tố quan trọng hơn là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ không hạ lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong ngắn hạn, cùng với cung ứng tín dụng gia tăng, dự kiến lợi suất kỳ hạn 10 năm cao nhất sẽ tăng lên 3%.

Nền tảng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn vững chắc

Tuy nhiên, việc cắt giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ trong một tháng không thể nói lên điều gì. Trên thực tế, dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc thể hiện rõ xu hướng tăng trưởng với tốc độ cao. Tính đến cuối tháng 12/2021, quy mô trái phiếu do các tổ chức nước ngoài nắm giữ trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc đạt 4.000 tỷ nhân dân tệ, cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ổn định và chuyển biến tích cực, ngoại thương bùng nổ và tỷ giá đồng nhân dân tệ phục hồi, thì trái phiếu nhân dân tệ vẫn có sức hấp dẫn tương đối.

Mặt khác, với kỳ vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay của Trung Quốc vào khoảng 5,5%, Vinh Tịnh - chuyên gia kinh tế Trung Quốc của ngân hàng BNP Paribas cho rằng động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay có thể thấp hơn 5,5% nên nước này vẫn cần nhiều hỗ trợ của chính sách tiền tệ. Dự đoán, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) có thể giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) 5 điểm cơ bản vào tháng Tư hoặc tháng Năm, đồng thời sẽ giảm 50 điểm cơ bản dự trữ bắt buộc của ngân hàng trong nửa cuối năm.

Chuyên gia Vinh Tịnh nhấn mạnh, mặc dù trọng điểm của năm nay là tăng trưởng ổn định, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ hoàn toàn từ bỏ phòng ngừa rủi ro và điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tỷ lệ thâm hụt ngân sách 2,8% cho thấy tính bền vững của chính sách tài khóa trung dài hạn đã được xác định.

Theo chuyên gia Lưu Bồi Can, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng NatWest, lập trường chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn là ổn định và thận trọng nhưng sẽ có xu hướng nới lỏng hơn, dự kiến lãi suất niêm yết trên thị trường cho vay năm nay sẽ tiếp tục giảm 20 điểm cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giảm 100 điểm cơ bản. Nếu tăng trưởng tín dụng cho vay suy yếu, thì sẽ có không gian tăng cường mức độ hỗ trợ chính sách.

Khi quan sát thị trường cổ phiếu, có thể thấy sở dĩ dòng “tiền nóng” gần đây thoát ra là do sự lao dốc của thị trường trong tháng Ba dẫn đến sự kiện bán tháo quy mô lớn. Chỉ từ ngày 7-14/3, lũy kế dòng vốn thoát khỏi thị trường cổ phiếu A (cổ phiếu cho pháp nhân, cá nhân trong nước) đã vượt qua con số 50 tỷ nhân dân tệ. Nếu cộng thêm sự rút lui của dòng vốn tài chính quốc tế trên thị trường cổ phiếu Hong Kong, thì con số này sẽ lớn hơn rất nhiều.

Sự lao dốc của thị trường cổ phiếu A và thị trường cổ phiếu Hong Kong gần đây chủ yếu do tính không xác định của chính sách, điều này khiến cho các nhà đầu tư quốc tế cắt giảm mạnh, thậm chí thanh lý tài sản Trung Quốc, trong khi các quỹ đối xung lại tận dụng cơ hội để bán khống. Xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kích hoạt dòng vốn quốc tế giảm nắm giữ các tài sản rủi ro của Trung Quốc để phòng ngừa.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trải qua đợt tháo chạy lần này, định giá tài sản Trung Quốc đã xuống mức thấp. Dựa trên thuộc tính tìm kiếm lợi nhuận mạnh mẽ của vốn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh định giá cổ phiếu của Trung Quốc còn không gian cải thiện tương đối lớn, nhìn chung mức độ sẵn sàng tham gia vào thị trường Trung Quốc của dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tương đối mạnh.

Tóm lại, “tiền nóng” tháo chạy là thực tế, nhưng từ trước đến nay, “tiền nóng” đều đến nhanh và đi cũng nhanh, không thể chỉ dựa vào dữ liệu của một tháng để dự báo xu hướng.

Ngoài ra, nền tảng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vẫn vững chắc, nên không cần thổi phồng sự lo lắng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục