Tác động của AI với chính sách răn đe hạt nhân của Trung Quốc, Nga, Mỹ

Việc tích hợp AI vào các nền tảng quân sự có khả năng cho phép các quốc gia vũ trang hạt nhân yếu hơn thiết lập lại sự mất cân bằng quyền lực.
(Nguồn: eurasiareview.com)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, trí tuệ nhân tạo (AI) là một thành phần ngày càng quan trọng của các hệ thống vũ khí, với cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực đối với chính sách răn đe hạt nhân.

Việc tích hợp AI vào các nền tảng quân sự có khả năng cho phép các quốc gia vũ trang hạt nhân yếu hơn thiết lập lại sự mất cân bằng quyền lực, song đồng thời nó cũng làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi rằng các quốc gia mạnh hơn có thể củng cố sự thống trị của họ và thực hiện nhiều hành động khiêu khích hơn.

Trung Quốc, Nga và Mỹ đều tham gia phát triển và tích hợp các ứng dụng AI vào các chương trình hiện đại hóa quân sự của họ. Những ứng dụng này bao gồm học máy, mạng thần kinh nhân tạo và tự động có trong hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát (C4ISR). Chúng cũng bao gồm việc triển khai các nền tảng tấn công tự động và phòng thủ.

AI có cả ứng dụng phòng thủ và tấn công

Ở mức độ phòng thủ, AI có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với các nước không có hệ thống cảnh báo sớm cũng như kho vũ khí thông thường và hạt nhân nhỏ hơn và kém hơn.

Các bộ máy có khả năng đưa ra quyết định dựa trên tiêu chí mục tiêu, tránh lỗi con người và chúng có thể đưa ra dự đoán và phản ứng nhanh hơn trước về một cuộc tấn công sắp đến.

Những khả năng này rất hấp dẫn đối với các nước như Trung Quốc và Nga vốn lo ngại về khả năng cảnh báo sớm kém cỏi của họ trước năng lực ngày càng được cải thiện của Mỹ để thực hiện các cuộc tấn công chính xác, bí mật và nhanh ngọn.

Ở mức độ tấn công, Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đang phát triển các nền tảng không người lái với các mức độ tích hợp AI và tự động khác nhau mà có thể được sử dụng để triển khai vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Các nền tảng không người lái này bao gồm các phương tiện lặn dưới nước, các phương tiện chiến đấu trên không và tàu vũ trụ. Một rủi ro là các nền tảng như vậy có thể lựa chọn và tấn công mục tiêu mà không có sự kiểm soát của con người.

Sự diễn giải khác nhau của ba nước này- và có những lúc còn mâu thuẫn - về những gì tạo nên một hệ thống vũ khí sát thương tự động (LAWS) đã khiến họ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc hóa giải những rủi ro đó.

Vai trò đang thay đổi

Mỹ vẫn là một trong những nước có động lực lớn nhất để thúc đẩy xu hướng AI và hạt nhân. Một phần điều này là do hệ thống của Mỹ tương đối minh bạch, từ đó khơi gợi các biện pháp đối phó và bắt chước. Nó cũng bắt nguồn từ lịch sử triển khai quân sự của Mỹ ở Đông Á và các nơi khác.

Việc Mỹ phát triển các phương tiện chiến đấu trên không và dưới nước không người lái, cũng như tàu vũ trụ, đã gây sự chú ý của Nga và Trung Quốc, vì từ lâu họ đã lo ngại về những nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được lợi thế chiến lược tuyệt đối.

Không có gì đáng ngạc nhiên, cả Nga và Trung Quốc đã có những chương trình phát triển tương tự, và trong một số trường hợp, việc phát triển và triển khai vũ khí do AI điều khiển trở nên tốn kém và không thể lường trước.

Quân đội Trung Quốc đã và đang thúc đẩy nghiên cứu và phát triển AI trong ngành công nghiệp tư nhân và các trường đại học dưới “hình thức kết hợp giữa quân đội-dân sự,” tập trung vào các hệ thống ra quyết định tự động, cảnh báo sớm, dẫn đường và nhắm mục tiêu được tối ưu hóa bằng máy học.

[Lý do Mỹ cần khởi động đàm phán vũ khí hạt nhân với Nga ngay lúc này]

Trung Quốc cũng đã làm việc để tích hợp các mạng thần kinh nhân tạo có thể tăng cường khả năng cơ động của các phương tiện bay siêu thanh và các phương tiện không người lái dưới nước và trên không. Chúng hiện được cho là nền tảng cho vũ khí thông thường, nhưng có thể đóng vai trò là nền tảng hạt nhân được AI hỗ trợ trong tương lai.

Mặc dù Nga đã chậm trễ trong việc phát hành chiến lược AI quốc gia nhưng họ đã có những bước tiến trong việc phát triển và thử nghiệm một bộ nền tảng hỗ trợ AI và hướng chúng đến việc phóng hạt nhân tự động.

Những nền tảng này bao gồm một máy bay ném bom mang tên lửa được trang bị AI, phương tiện bay siêu thanh có thể mang cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường và một phương tiện dưới nước không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mang theo vũ khí hạt nhân.

Không giống như việc Trung Quốc giấu giếm mục đích sử dụng các nền tảng của mình, Nga rõ ràng có ý định sử dụng các hệ thống này cho vũ khí hạt nhân.

Những tiến bộ của Trung Quốc và Nga đã đảo ngược quan điểm truyền thống rằng hai nước này chỉ đơn giản là đáp trả Mỹ.

Theo tiết lộ trong Báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân năm 2018 của Mỹ và mối quan tâm ngày càng tăng đối với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và tên lửa hành trình (SLCM), Mỹ đang ngày càng phản ứng với Trung Quốc và Nga.

Việc Trung Quốc mập mờ trong mục đích sử dụng hệ thống vũ khí không người lái và thiết bị siêu thanh (DF-ZF) trong tương lai, cũng như các dự án và tài sản hạt nhân chiến thuật quan trọng của Nga để tăng cường khả năng sống sót và tấn công hạt nhân, như phương tiện dưới nước không người lái Poseidon (Status-6), đang thúc đẩy sự phát triển chiến lược của Mỹ.

Cơ chế kiểm soát vũ khí cần phải được hồi sinh

Trước những phát triển và nhận thức về mối đe dọa này, các nền tảng vũ khí không người lái do các hệ thống AI điều khiển có thể làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân, đặc biệt thông qua các vụ va chạm không chủ ý hoặc cố ý của các phương tiện không người lái.

Bất chấp những thách thức như vậy, các cơ chế kiểm soát vũ khí hiện nay vẫn bị sa lầy trong nhiều thập kỷ bất bình mang tính lịch sử. Cả Hội nghị Đánh giá Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và các cuộc đối thoại chiến lược song phương Trung-Mỹ hay Nga-Mỹ đang bị đình trệ bởi các định nghĩa cứng nhắc về các nền tảng vũ khí và răn đe hạt nhân.

Trong khi các cơ chế kiểm soát vũ khí trước đây đang chờ đợi một bước đột phá- như gia hạn hoặc thậm chí mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) giữa Mỹ và Nga, các tiến bộ vũ khí và tư thế hạt nhân của Mỹ và Nga đang tiếp tục cuộc chạy đua.

Để giải quyết sự bất tương xứng này, cần chú ý nhiều hơn đến những tiến bộ do AI dẫn dắt vốn tác động đến mọi thứ, từ cảnh báo sớm cho đến tấn công hạt nhân.

Mặc dù có thể còn quá sớm để chính thức hóa một thỏa thuận hoặc cơ chế về rủi ro AI và hạt nhân ở cấp chính thức (Kênh 1), song việc nối lại và mở rộng các cuộc đối thoại bán chính thức và không chính thức (Kênh 1.5 và Kênh 2) để bao gồm các tiến bộ kỹ thuật hạt nhân và thông thường được điều khiển bằng AI và tác động của chúng đối với tư thế hạt nhân cũng rất đáng hoan nghênh.

Nếu những lo ngại của mỗi quốc gia được xác định, điều này có thể đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán ba bên giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Việc can dự vào chính sách răn đe hạt nhân truyền thống theo cách mới sẽ tiếp sức cho quá trình xây dựng niềm tin lẫn nhau và thiết lập các quy tắc cần thiết cho kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục