Số tài sản thuộc sở hữu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng mạnh trong những năm gần đây và cuối năm 2015, con số này đã đạt trên 383.000 tỷ yen, tăng 83.000 tỷ yen so với cuối năm 2014.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Kuroda, chỉ trong vòng ba năm, tài sản sở hữu của BoJ đã tăng 2,3 lần kể từ cuối năm 2012.
Nếu tiếp tục các chính sách nới lỏng tài chính hiện hành, tài sản của BoJ vào thời điểm cuối năm 2016 sẽ còn tăng cao hơn.
Trong số tài sản thuộc BoJ sở hữu vào cuối năm 2015, có 282.000 tỷ yen công trái dài hạn. Đây là kết quả đợt thu mua công trái dài hạn ồ ạt dựa trên quyết định nới lỏng tài chính bổ sung được quyết định từ tháng 10/2014.
Theo các nhà phân tích kinh tế Nhật Bản, lượng tài sản do BoJ nắm giữ thể hiện mức độ nới lỏng tài chính. Nếu chính sách nới lỏng tài chính tiếp tục được kéo dài, tài sản sở hữu tăng quá nhanh và nhiều, BoJ sẽ gặp khó khăn trong việc điều hành chính sách tài chính trong tương lai.
Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ tài sản sở hữu của BoJ so với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cao hơn rất nhiều so với con số tương ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)./.