Mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng hiện nay được quy định là 350.000 đồng/người được cho là còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của người dân, các đối tượng bảo trợ xã hội.
Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Dự thảo này không chỉ nâng mức trợ cấp mà còn mở rộng thêm các đối tượng hưởng chính sách
Nâng khoảng 40-100% mức chuẩn trợ giúp xã hội
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định số 20/2021/NĐ- CP đã có một số vấn đề bất cập, vướng mắc nảy sinh cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hiện nay, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025.
[Xây dựng hệ thống chính sách xã hội hướng tới toàn dân và bền vững]
Trong giai đoạn 10 năm 2013-2023, tiền lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 6 lần, tuy nhiên mức chuẩn trợ cấp xã hội chỉ được được điều chỉnh tăng 2 lần. Bên cạnh đó, từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở tiếp tục tăng lên 1,8 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy mức chuẩn trợ cấp xã hội so với tiền lương cơ sở có xu hướng giảm dần từ 26,6% năm 2007 giảm xuống còn 20% vào tháng 7/2023.
Theo ông Thanh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng nhằm bảo đảm hỗ trợ hiệu quả một phần nhu cầu thiết yếu cho đối tượng bảo trợ xã hội là hết sức cấp bách; cần phải điều chỉnh mức chuẩn phù hợp để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư yếu thế.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội. Theo đó, phương án 1 là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng (tăng 39%), mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với phương án này thì số kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là 9.465 tỷ đồng. Dự kiến Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 thì năm 2024 ngân sách Nhà nước bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng so với năm 2023.
Phương án 2 là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng (tăng 108,3% so với mức chuẩn cũ) thì tổng kinh phí thực hiện một năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.300 tỷ đồng/năm. Dự kiến Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 thì năm 2024 ngân sách Nhà nước bố trí thêm khoảng 13.100 tỷ đồng so với năm 2023.
Bổ sung 3 nhóm đối tượng hưởng trợ cấp
Bên cạnh việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá còn một bộ phận dân cư khó khăn chưa thụ hưởng chính sách do chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP gồm: Trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng đã được quy định tại Luật trẻ em 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật trẻ em; thành viên hộ nghèo, cận nghèo không có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc có thành viên trong độ tuổi lao động nhưng mất khả năng lao động; trẻ em dưới 3 tuổi, người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, những đối tượng trên cần được quy định bổ sung là các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Dự kiến đối tượng được bổ sung hưởng chính sách trợ giúp xã hội khoảng 558.000 người bao gồm: Khoảng 90.000 người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không có lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng; khoảng 457.000 trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; khoảng 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng. Tổng số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng khi Nghị định có hiệu lực dự kiến khoảng 3,9 triệu người.
Ông Thanh cho biết với việc mở rộng đối tượng hưởng trợ giúp xã hội, trường hợp mức chuẩn trợ giúp xã hội dự kiến nâng lên 500.000 đồng thì dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 14.700 tỷ đồng/năm. Trường hợp mức chuẩn trợ giúp xã hội dự kiến nâng lên 750.000 đồng thì dự kiến kinh phi tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung việc tặng quà cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức bị thiệt hại, gặp hoàn cảnh khó khăn về người, tài sản, do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác gây ra. Với chính sách này, ngân sách trung ương bố trí khoảng 5 tỷ đồng/năm để thực hiện việc tặng quà.
Theo ông Thanh, việc điều chỉnh chế độ chính sách trợ giúp xã hội kịp thời sẽ góp phần ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng bảo trợ xã hội, giúp các đối tượng yếu thế tăng thêm vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng./.
Mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội. Mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng và hệ số trợ cấp đối với các nhóm cụ thể khác khác. Mức thấp nhất là hệ số 1 và mức cao là hệ số 2,5 (hệ số bình quân chung 1,41). Mức trợ giúp xã hội liên tục tăng lên sau 6 lần điều chỉnh. Mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng/tháng, đến năm 2006 tăng lên 65.000 đồng/người/tháng, năm 2007 tăng lên 120.000 đồng tháng, năm 2010 tăng lên 180.000 đồng/tháng, năm 2013 là 270.000 đồng/tháng và lên mức 360.000 đồng năm 2021. Trong bối cảnh mức trợ giúp xã hội còn thấp so với mặt bằng chung mức sống tối thiểu, 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nâng mức chuẩn cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. |