Chiều 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Rà soát, hoàn thiện các quy định
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) thống nhất việc cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, do Luật hiện hành thiếu rất nhiều nội dung đã và đang phát sinh trong thực tiễn, cần phải có căn cứ pháp lý cụ thể quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện, phù hợp với xu hướng phát triển chung.
"Sửa đổi Luật Điện lực cần phải đồng thời đáp ứng cả 2 mục tiêu, vừa đạt mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vừa đạt mục tiêu lâu dài là thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050," đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Quốc Tuấn, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, nội dung sửa đổi của Luật Điện lực lần này rất lớn, sửa đổi toàn bộ nội dung luật, trong đó có những nội dung quan trọng như đầu tư phát triển dự án điện lực, mua bán điện và hệ thống điện quốc gia.
"Với nội dung và khối lượng sửa đổi, bổ sung như vậy, nếu thông qua tại một kỳ họp là quá gấp rút. Việc xem xét, cho ý kiến hoàn thiện các quy định sẽ không được kỹ lưỡng. Đồng thời, các chính sách sửa đổi đều là những nội dung mang tính dài hạn, sự phát triển lâu dài, ổn định của điện lực quốc gia," đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lý giải; đồng thời đề nghị không thực hiện quy trình rút gọn trong lần sửa đổi này để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa nhằm đảm bảo chất lượng của luật.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã bắt đầu được triển khai trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các chính sách thị trường điện cạnh tranh vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống người dân, vẫn tồn tại tâm lý "điện là mặt hàng độc quyền."
"Vì vậy, trong lần sửa đổi này đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định đảm bảo tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh, thực sự đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu.
Cân nhắc quy định tính lãi chậm trả tiền điện
Góp ý về thanh toán tiền điện trong trường hợp mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (tỉnh Bến Tre) cho biết, dự thảo Luật quy định, bên mua điện không trả tiền điện theo quy định và đã được bên bán thông báo 2 lần, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện.
"Tuy nhiên, việc thông báo không xác định bằng hình thức nào, văn bản, tin nhắn hay gọi điện thoại. Đây là một vấn đề rất phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đề nghị Ban soạn thảo cần phải quy định rõ, bên mua điện khi không trả tiền điện theo quy định và đã được bên bán điện thông báo bằng văn bản, sau 2 lần, bên bán điện mới có quyền ngừng cung cấp điện", đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ băn khoăn về quy định trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả. "Quy định này để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong việc thanh toán tiền điện, là phù hợp và để đảm bảo lợi ích của bên cung cấp điện. Tuy nhiên, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, đôi khi quên hoặc chậm đóng tiền điện, tiền nước một vài ngày cũng là điều rất dễ xảy ra. Vì vậy, quy định tính lãi ngay khi chậm trả không thực sự phù hợp", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất nên có thời hạn quy định chậm trả, ít nhất là một tháng, mới bắt đầu tính lãi. Đặc biệt nên quy định, không tính lãi chậm đóng tiền đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn sống một mình, để đảm bảo tính nhân văn của quy định.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, dự thảo Luật quy định “lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà bên bán điện có tài khoản ghi trong hợp đồng tại thời điểm thanh toán. Trường hợp lãi suất chậm trả vượt quá mức lãi suất theo quy định tại điểm này thì bên mua điện không phải trả phần lãi suất vượt quá.”
Đại biểu cho rằng không có căn cứ để xác định lãi suất tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả vì ngân hàng không công bố công khai mức lãi suất cho vay cao nhất. Bên cạnh đó, mức lãi suất cũng thường xuyên thay đổi và áp dụng khác nhau tại từng ngân hàng.
Ngân hàng cũng áp dụng lãi suất cho vay khác nhau với từng đối tượng khách hàng, từng mục đích sử dụng... Do đó, việc xác định lãi suất cho vay cao nhất rất khó khăn, không chuẩn xác, đồng thời lại phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, không đảm bảo tính đồng bộ, chính xác tại từng thời điểm cụ thể, dễ dẫn đến sai sót và khiếu kiện, khiếu nại từ khách hàng, không minh bạch, không đồng bộ.
Hạn chế chuyển nhượng dự án đầu tư điện gió ngoài khơi
Cho ý kiến về hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận) đề nghị quy định, các dự án lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, do doanh nghiệp nhà nước đầu tư phù hợp với quy hoạch, thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Bởi vì, các dự án lưới điện phục vụ cho kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng và dự án điện là dự án theo tuyến, đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Muốn thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thì đòi hỏi từng vị trí móng trụ, hành lang tuyến phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, giao thông, thủy lợi...
Nhưng hành lang tuyến trong công trình điện kéo dài qua nhiều xã, huyện; muốn thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư phải điều chỉnh các quy hoạch trên. Trong khi chu kỳ quy hoạch là 10 năm và điều chỉnh giữa kỳ (khoảng 5 năm) khiến các công trình sẽ chậm tiến độ theo quy hoạch, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng.
Liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung thêm loại hình “điện gió ngoài khơi” trong các loại hình điện để làm cơ sở cho triển khai thực hiện trên thực tế.
Bởi Việt Nam rất có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư loại hình này nhưng chưa được quy định trong dự thảo Luật.
"Tuy nhiên, cần có điều khoản nhằm hạn chế các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác," đại biểu Nguyễn Hữn Thông nêu.
Xem xét để sửa đổi một cách toàn diện
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về cần thiết phải sửa đổi và tên gọi của luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Điện lực ban hành 20 năm và đã sửa đổi 4 lần, chỉ giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng đến nay, đòi hỏi phải xem xét để sửa đổi một cách toàn diện.
Bởi Việt Nam đã hội nhập với thế giới nên phải luật hóa các luật phù hợp, tương thích với điều ước quốc tế, tương thích với luật trong lĩnh vực năng lượng nói chung, lĩnh vực điện nói riêng, giữa Việt Nam với thế giới và khu vực.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách mới về vấn đề năng lượng nhưng trên thực tế chưa kịp thời thể chế hóa trong các quy định của luật, mới chỉ ban hành nghị định, thông tư. "Đã đến lúc phải thể chế các quy định của Đảng và luật hóa những quy định dưới luật", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Hiện nay, theo xu thế chung và với cam kết của Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam cần phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo và nguồn năng lượng mới như hydrogen hay amoniac xanh, điện hạt nhân; song chưa có quy định cụ thể trong luật hiện hành. Việt Nam đã công bố Quy hoạch điện VIII khoảng 1,5 năm nhưng đến nay, chưa có nhà đầu tư mới bởi không có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách. Trong khi đó, chỉ còn 5 năm rưỡi nữa, phải tăng gấp 2 lần tổng công suất các nguồn điện.
"Nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khả thi, chắc chắn không có nhà đầu tư vào và không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng đất nước. Đây là một thách thức rất lớn", Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu.
Nêu 3 nhóm vấn đề căn cốt cần sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc sửa những cơ chế chính sách bất cập; bổ sung chính sách mới để phát triển nguồn năng lượng mới, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời; phát triển nguồn năng lượng hydrogen, amoniac xanh; phát triển điện hạt nhân.
Như vậy, sau khi sửa đổi, dự thảo Luật giữ nguyên và sửa 50/70 điều so với luật cũ, hiệu chỉnh lớn 20 điều, bổ sung mới 23 điều. Những điều bổ sung mới chủ yếu quy định về năng lượng mới, phát triển thị trường điện cạnh tranh và quy định rõ thẩm quyền của cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với những dự án điện cấp bách, chủ trương để thu hồi các dự án điện chậm tiến độ.
Về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, trong dự thảo mới nhất, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu thiết kế dự thảo Luật theo hướng, chỉ đưa vào những điều, khoản, quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những nội dung chi tiết sẽ giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong triển khai dự án luật. Định kỳ có giám sát, xem xét, quyết định của Quốc hội.
Bộ Công Thương đã đối chiếu kỹ lưỡng các quy định của dự thảo luật với luật chuyên ngành có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lắp về nội dung; đồng thời đã rà soát, đối chiếu dự án luật với các điều ước quốc tế để tránh thiếu sót hoặc chưa bảo đảm tính tương thích.
Tập trung giải quyết vấn đề thực tiễn
Về 6 nhóm chính sách trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và một số nguồn điện nền như điện khí, điện hạt nhân, điện hydro xanh.
"Nhu cầu các địa phương rất lớn, Quy hoạch Điện VIII không mở được vì luật "vẫn bó". Nếu cho phép nâng điện nền một số nguồn linh hoạt, phát triển mạnh hệ thống lưu trữ thì sẽ khai thác được tiềm năng năng lượng tái tạo ở các địa phương, nhất là điện mặt trời và điện gió trên bờ", Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
Đối với các nội dung mới được quy định trong Luật Điện lực như điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hiện nay công nghệ chế tạo, thiết bị xây dựng, lắp đặt đã được triển khai và thương mại hóa thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, sự phức tạp và rủi ro về công nghệ đã được kiểm nghiệm và minh chứng an toàn trong thực tiễn.
Nghị quyết 55 và 36 của Bộ Chính trị cũng đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp phải thể chế hóa các nội dung để phát triển điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu phát triển điện gió ngoài khơi, phải có quy định rất cụ thể, không cho phép chuyển nhượng, kể cả trong quá trình vận hành vì vấn đề này gắn liền với an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện. Đồng thời bổ sung quy định về giao thẩm quyền cho Chính phủ hay cho bộ, ngành có liên quan, quy định chi tiết vận hành điều độ hệ thống điện quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, 6 nhóm chính sách cụ thể này nếu được thông qua sẽ cơ bản giải quyết vấn đề thực tiễn hiện nay.
"Nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi để thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển nguồn và lưới điện, đặc biệt là điện năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, lưới điện truyền tải liên miền," Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu./.
Sửa đổi Luật Điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Dự thảo quy định nguyên tắc trong phát triển điện hạt nhân góp phần bảo đảm cung ứng điện, an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.