Thành phố Hà Nội giao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công

Đến hết 3/2020, thành phố giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 7,6% kế hoạch giao, chưa đáp ứng yêu cầu nên yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Thi công xây dựng đoạn cầu cạn từ trụ P63 đến Ngã Tư Sở, thuộc dự án đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở, đang được triển khai đúng tiến độ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Thi công xây dựng đoạn cầu cạn từ trụ P63 đến Ngã Tư Sở, thuộc dự án đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở, đang được triển khai đúng tiến độ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tính đến hết tháng 3/2020, thành phố giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 7,6% kế hoạch giao, chưa đáp ứng yêu cầu; trong đó cấp thành phố đạt 6,6%, cấp huyện đạt 8,6%.

Chính vì vậy, Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư tập trung quyết liệt thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Các quận huyện phải xây dựng phương án triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với kịch bản thu ngân sách trên địa bàn thành phố trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Dự báo thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sẽ hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chỉ khác. Do đó, trong trường hợp nguồn vốn cho đầu tư không đảm bảo, thành phố yêu cầu các quận, huyện cần phải rà soát các dự án đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, sắp xếp theo lĩnh vực, thứ tự ưu tiên phòng chống thiên tai, dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội; giáo dục và đào tạo, phát triển nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo môi trường; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Thành phố chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đối với các dự án trọng điểm, cấp bách được Hội đồng Nhân dân thành phố chấp thuận và các dự án còn lại trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt đã được cân đối bố trí vốn thực hiện năm 2020 nhưng chưa được giao kế hoạch đầu năm. Tiến độ hoàn thành trước ngày 30/6/2020.

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung thi công các công trình, dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành, bàn giao trong năm phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với nhóm dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên trong danh mục khởi công mới năm 2020, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục khởi công xây dựng công trình.

[Hà Nội xác định 3 kịch bản điều hành để giảm thiệt hại do COVID-19]

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đề nghị các đơn vị hoàn thiện thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đã bố trí kế hoạch vốn thực hiện năm 2020 trước ngày 10/4/2020.

Đối với các dự án không gặp vướng mắc về mặt bằng, chủ đầu tư dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán công trình để tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công xây dựng công trình trước ngày 30/6/2020. Đối với các dự án còn lại, tiến độ khởi công xây dựng công trình chậm nhất trước ngày 30/9/2020.

Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, việc thiết kế - dự toán, đấu thầu, thi công xây lắp công trình; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Các chủ đầu tư chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, đề xuất giải pháp để Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo, giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền, chỉ đạo các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại công trường, đảm bảo tiến độ thi công công trình nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho người lao động.

Thành phố Hà Nội giao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Giải phóng mặt bằng để xây dựng ga ngầm S11 (ga Văn Miếu) năm 2019. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đầu tư, kiểm tra công vụ đối với các chủ đầu tư (vốn ngân sách thành phố), ủy ban nhân dân cấp huyện (vốn ngân sách huyện) hai tháng liền không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 20% so với tỷ lệ giải ngân chung của toàn thành phố; xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Theo số liệu của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố, kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm 2016-2020 cấp thành phố đã được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt cập nhật, điều chỉnh tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 với tổng mức vốn 107.303 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu kỳ trung hạn đến nay, thành phố đã cân đối bố trí 101.019 tỷ đồng; trong đó, năm 2020 đã giao đầu năm 21.904 tỷ đồng; số vốn kế hoạch trung hạn còn lại là 6.285 tỷ đồng sẽ tiếp tục bố trí trong năm 2020 khi các dự án, nhiệm vụ chi đầu tư công hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Tuy nhiên, lũy kế giải ngân vốn trung hạn 2016-2020 cấp thành phố đến hết ngày 31/01/2020 mới đạt 67.490 tỷ đồng, bằng 85,3 % kế hoạch đã giao giai đoạn 2016-2019 và mới đạt 62,9% so với tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt.

Như vậy, khối lượng công việc còn lại của năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm 2016-2020 là rất lớn, đòi hỏi các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư cần phải tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục