Thêm nhiều nước tham gia cam kết cắt giảm methane toàn cầu

Mỹ và EU xác nhận đã có 24 nước ký tham gia sáng kiến cắt giảm methane, trong đó có Canada, Nhật Bản, Philippines, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Cộng hòa Trung Phi, Costa Rica, Cộng hòa Dân chủ Congo...
Thêm nhiều nước tham gia cam kết cắt giảm methane toàn cầu ảnh 1Bong bóng chứa khí methane trong một khu vực đầm lầy. (Nguồn: Reuters)

Hơn 20 nước đã tham gia sáng kiến Cam kết cắt giảm methane toàn cầu được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng nhằm tạo xung lực cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) dự kiến diễn ra tại Anh vào tháng 11 tới.

Mục tiêu là tới năm 2030 sẽ giảm được 30% lượng khí thải methane so với mức của năm 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 11/10, Bộ Ngoại giao Mỹ và giới chức EU xác nhận đến nay, đã có 24 nước ký tham gia sáng kiến này, trong đó có Canada, Nhật Bản, Philippines, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Cộng hòa Trung Phi, Costa Rica, Cộng hòa Dân chủ Congo...

Tháng trước, chín đối tác ban đầu, trong đó có Anh, Indonesia và Mexico, đã ký cam kết này.

[COP26 là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng]

Sáng kiến Cam kết cắt giảm Methane toàn cầu được Mỹ và EU đưa ra hồi tháng Chín với mục đích thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu trước thềm COP 26.

Với số lượng các nước tham gia nói trên, sáng kiến này đến nay tập trung các nước chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 30% lượng khí thải methane trên thế giới.

Mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải nêu trên - nếu đạt được - sẽ tác động đáng kể đến các ngành năng lượng, nông nghiệp và rác thải vốn phát thải nhiều khí methane.

Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry bày tỏ hy vọng sẽ có hơn 100 nước tham gia cam kết trên trước khi COP26 khai mạc.

Methane là tác nhân lớn thứ hai, sau CO2, gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Một số báo cáo gần đây nhấn mạnh việc các chính phủ cần coi trọng các biện pháp giảm thiểu khí methane phát thải trong không khí để thực hiện mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiện hơn 20 tổ chức từ thiện, bao gồm cả những tổ chức của các tỷ phú Michael Bloomberg và Bill Gates, thông báo kế hoạch huy động hơn 223 triệu USD để hỗ trợ các nước giảm lượng khí thải methane./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục