Thị trường ôtô năm 2024: Xu thế của xe điện hóa và các thương hiệu Trung Quốc

Trong năm 2024, xe điện hóa sẽ ngày càng phát triển hay sự đổ bộ của các thương hiệu Trung Quốc sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường xe ôtô tại Việt Nam.

Xu hướng xe điện hoá sẽ tiếp tục nở rộ mạnh mẽ hơn tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: TMV)
Xu hướng xe điện hoá sẽ tiếp tục nở rộ mạnh mẽ hơn tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: TMV)

Chốt sổ cho năm 2023, toàn thị trường ôtô Việt Nam ghi nhận tiêu thụ 301.989 xe các loại (số liệu tổng hợp từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam - VAMA), giảm tới 25% so với năm 2022. Sự đi xuống này bắt nguồn từ những diễn biến khó lường của nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức mua của người dân.

Tuy vậy, trong bức tranh tối đó những điểm sáng đến từ việc các đơn vị sản xuất liên tục đưa về các mẫu xe, hãng xe mới thu hút người dùng, cùng các chính sách kích cầu từ Chính phủ và các hãng.

Trong năm Giáp Thìn 2024, các chuyên gia dự báo doanh số thị trường ôtô Việt Nam sẽ có sự hồi phục nhẹ. Xe điện hóa sẽ ngày càng phát triển hay sự đổ bộ của các thương hiệu Trung Quốc sẽ là xu hướng chủ đạo của năm.

Xe điện hóa sẽ lan tỏa mạnh hơn

Có thể thấy, từ năm 2020 ngoại trừ Toyota với chiếc SUV cỡ B Corolla Cross động cơ hybrid, thì thị trường không có sản phẩm sở hữu động cơ tương tự hoặc thuần điện. Đến 2023, số lượng sản phẩm điện hóa bắt đầu tăng lên. Các hãng xe cũng nắm bắt yếu tố này để dồn lực giới thiệu loạt mẫu xe điện, xe hybrid mới, tăng thêm lựa chọn cho khách hàng.

Trong năm 2023, VinFast hoàn thiện dải sản phẩm xe điện của mình với loạt series SUV bao gồm VF5, VF6, VF7, VF8, VF 9 và VF3 trong đó hầu hết các mẫu xe đã mở bán. Toyota bổ sung thêm mẫu Toyota Yaris Cross, Innova Cross bản hybrid, Hyundai với sản phẩm mới toanh Ioniq 5. Phân khúc xe sang cũng trở nên sôi động với sự hiện diện của bộ ba EQB 250, EQE 500 4Matic và EQS 500 4Matic…

Năm 2024, dự kiến làn sóng xe điện hóa vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ và nhận được nhiều sựu quan tâm hơn tại thị trường Việt, nhất là trong bối cảnh điều kiện chất lượng không khí đang suy giảm.

Ngay đầu năm, Triển lãm xe điện hóa Việt Nam (triển lãm đầu tiên về xe Xanh) diễn ra tại Hà Nội đã giúp người tiêu dùng trong nước có cơ hội lái thử, tìm hiểu về công nghệ cốt lõi của xe điện.

trienlam3-1.jpg
Người dân bày tỏ nhiều sự quan tâm tới các mẫu ôtô điện hoá. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, nhiều hãng xe đã và đang lên kế hoạch trình làng nhiều mẫu xe điện tại Việt Nam. Đầu năm, VinFast trình làng mẫu bán tải điện hoàn toàn mới VF Wild tại CES 2024, dự kiến mẫu xe này cũng sẽ sớm ra mắt khách Việt. Mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam 2023 là Mitsubishi Xpander sớm bổ sung thêm phiên bản tiềm năng như Xpander HEV và Xpander Cross HEV tại thị trường sau khi đã ra mắt tại Thái Lan. Một số đại lý kinh doanh cũng đang mở đặt cọc loạt mẫu xe điện mini như Wuling Bingo và Baojun Yep do TMT Motor sản xuất và phân phối.

Ở phân khúc xe cao cấp, Volvo Việt Nam có thể sẽ chào đón những thành viên mới thuộc mảng kinh doanh xe điện trong nửa cuối 2024 với sự góp mặt của EX30 hoặc C40 Recharge.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố cho biết thị trường xe điện tuy nhỏ nhưng đầy tiềm năng tăng trưởng. Theo báo cáo của SSI, xe điện đã trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam, ước tính chiếm 6% doanh số tiêu thụ xe du lịch trong 2023.

Dữ liệu của BMI Research chỉ ra rằng, sản lượng tiêu thụ xe điện trong ngành ôtô sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép tới 26% trong giai đoạn 2023-2032, tương đương với sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt 65.000 xe vào năm 2032.

Mặc dù đánh giá tích cực với mảng xe điện, tuy nhiên SSI cũng chỉ ra những điểm yếu của xe điện so với xe xăng truyền thống như: Giá cả, phạm vi hoạt động trong 1 lần sạc, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc và thiếu trung tâm dịch vụ sửa chữa. Do đó, SSI cho rằng Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hơn để kích thích nhu cầu, bên cạnh mức giảm 12% thuế suất tiêu thụ đặc biệt và miễn phí trước bạ đối với xe điện.

Làn sóng xe Trung Quốc du nhập

Bên cạnh xe điện hoá, làn sóng xe Trung Quốc xâm nhập tại thị trường Việt cũng được các chuyên gia dự báo khi các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh tiến vào thị trường Việt Nam để cạnh tranh với các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc... trong năm 2024 này.

Trước đây, thị trường ôtô Việt Nam thường đón nhận các loại xe “bình dân” đến từ Trung Quốc với giá 400-500 triệu đồng. Dù chưa thực sự nổi bật và còn “yếu thế” hơn so với các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng không thể phủ nhận những cái tên Brilliance, Beijing, Zoyte, Haima với các sản phẩm nhiều tính năng, kiểu dáng đa dạng... đã phần nào xóa định kiến “xe Tàu” của khách hàng.

Bằng chứng là, sự xuất hiện của các hệ thống đại lý bài bản và những hoạt động tiếp cận khách hàng thường xuyên cũng bước đầu tạo dựng được chỗ đứng cho ôtô Trung Quốc hiện đại tại Việt Nam.

Tín hiệu của xu hướng này xuất hiện khi vào tháng 8/2023, GWM Thành An giới thiệu Haval H6 HEV (hybrid) với mức giá bán lẻ đề xuất 1,096 tỷ đồng, nằm ở phân khúc crossover cỡ C, cạnh tranh với Honda CR-V, Mazda CX-5... Đơn vị phân phối Carvivu cũng giới thiệu mẫu xe MPV Haima 7X-E thuần điện giá 1,1 tỷ đồng; MG (SAIC) cũng bắt đầu lấn sân sang nhóm xe thể thao với chiếc Cyberster thuần điện…

422163339_3158456047795337_3759802009311780761_n.jpg
Càng ngày càng có nhiều mẫu xe Trung Quốc chất lượng cao cập bến thị trường Việt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong nỗ lực tiếp tục khẳng định chỗ đứng, các thương hiệu ôtô Trung Quốc trong năm 2024 không giấu tham vọng tiếp tục chinh phục thị trường Việt Nam, thông qua việc đưa vào không chỉ những mẫu xe thuộc nhóm phổ thông, mà cả những thương hiệu “hạng sang.”

Từ đầu năm 2024, Lynk Automotives giới thiệu thương hiệu Lynk&Co (thuộc Geely) tới khách VIệt bởi loạt mẫu xe như mẫu SUV 09 giá 2,2 tỷ đồng, 05 giá 1,6 tỷ đồng. FAW (First Automobile Works) ngoài việc tiếp tục duy trì dòng xe Hongqi H9 giá tiền tỷ đang lên kế hoạch đưa về mẫu xe crossover HS5.

Năm 2024 cũng là giai đoạn OMODA (thương hiệu cao cấp thuộc Chery) tiếp tục tăng cường hiện diện tại Việt Nam, thông qua chiếc C5 mới (dự kiến mở bán từ quý II/2024). Thuộc nhóm crossover cỡ C, đây là mẫu xe cạnh tranh với Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Honda CR-V…

Với mức giá đã vượt ngưỡng 1 tỷ đồng, những lựa chọn cao cấp từ Trung Quốc có giá bán không rẻ, thậm chí đã ngang ngửa với những dòng xe cùng phân khúc đến từ các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...

Theo giới chuyên môn, bước đi này dễ hiểu, bởi việc xây dựng một mặt bằng giá cao hơn sẽ tạo ra hình ảnh “sang trọng hơn” cho những chiếc xe, dần xóa bớt định kiến về “xe Tàu-giá rẻ” vốn đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ ở Việt Nam.

Anh Thanh Hải, một chuyên gia trong ngành ôtô cho biết một lợi thế quan trọng cho các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đến từ sự thống trị của họ trong chuỗi cung ứng, hay nói cách khác là chi phí sản xuất thấp, dễ dàng tùy biến sản phẩm, đặc biệt là thoải mái tăng cường "đồ chơi" công nghệ khi cần…

“Kiểu dáng bắt mắt, hiện đại; trang bị tiện nghi tràn ngập và quan trọng hơn là giá thành rẻ là những lợi thế của những chiếc xe Trung Quốc. Ở những khu vực nơi giá bán là yếu tố luôn được người tiêu dùng ưu tiên cân nhắc mà Việt Nam chính là một điển hình thì trong tương lai gần, những chiếc xe đến từ phương Bắc sẽ là đối trọng không nhỏ đối với những ‘ông lớn’ đang hiện diện tại đây,” anh Hải nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục