Thiết bị thăm dò Philae hoạt động tốt trên sao Chổi Chury

Trung tâm kiểm soát mặt đất thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết thiết bị thăm dò Philae vừa đáp xuống sao Chổi Chury một ngày trước, đã "hoạt động tốt."
Thiết bị thăm dò Philae hoạt động tốt trên sao Chổi Chury ảnh 1Hình ảnh đồ họa mô phỏng tàu Philae được tách từ tàu thăm dò không gian Rosetta và "hạ cánh" xuống bề mặt sao Chổi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/11, Trung tâm kiểm soát mặt đất thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết thiết bị thăm dò Philae, vừa đáp xuống sao Chổi Chury một ngày trước, đã "hoạt động tốt," bất chấp cú hạ cánh không mấy hoàn hảo khiến một phần của "phòng thí nghiệm" tự động này không đón được ánh sáng Mặt Trời.

Trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi hạ cánh, Philae đã gửi về Trái Đất nhiều số liệu và hình ảnh từ sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko (hay còn gọi là Chury, được phát hiện vào tháng 10/1969).

Các số liệu mới cho thấy sau cú tiếp đất, Philae đã nảy lên hai lần rồi mới tiếp xúc với bề mặt sao Chổi bằng hai chân, một chân còn lại vẫn đang lơ lửng trong không trung, một phần khuất sau một mỏm đá.

Cú nảy lên đầu tiên sau khi tiếp đất kéo dài trong vòng 2 giờ đã đưa Philae lệch ra khỏi vị trí chuẩn khoảng 1km.

Tuy chưa đạt được vị trí theo kế hoạch, nhưng Philae vẫn gửi về Trái Đất những dữ liệu và hình ảnh quý giá đầu tiên được chụp từ sao Chổi thông qua tàu thăm dò Rosetta.

Có tới 8/10 thiết bị thực hiện thí nghiệm lắp đặt bên trong Philae đã được kích hoạt theo kế hoạch.

Philae được trang bị khối pin nặng 100kg giúp nó hoạt động trong vòng 60 giờ, bên cạnh đó các nhà khoa học cũng lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để có thể sạc pin dự phòng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho biết việc hạ cánh không hoàn toàn theo đúng kế hoạch với một phần bị khuất sau mỏm đá không nhận được ánh sáng mặt trời có thể khiến phòng thí nghiệm tự động này hết năng lượng sớm hơn dự tính.

Với vị trí chưa cân bằng và nguồn năng lượng không được như dự tính, hiện tại các nhà khoa học cũng chưa dám mạo hiểm triển khai hệ thống khoan thăm dò được trang bị trên Philae để lấy các mẫu phân tích hóa học.

Philae là thiết bị vũ trụ đầu tiên trên thế giới "đặt chân" xuống một sao Chổi, kết quả của dự án đã được chuẩn bị hàng chục năm nay với mức kinh phí 1,3 tỷ euro (1,6 tỷ USD) của ESA.

Đây là một sự kiện lịch sử trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ của con người và hứa hẹn sẽ đem lại những giải đáp về nguồn gốc sự sống bởi sao Chổi được cho là nắm giữ những bí mật về nguồn gốc Hệ Mặt Trời và có thể cả sự sống trên Trái Đất cách đây 4,6 tỷ năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục