Thu ngân sách năm 2016 vượt dự toán: Đáng mừng hay đáng lo?

Câu hỏi được lãnh đạo Bộ Tài chính đặt ra với ngành thuế là: Số thu ngân sách vượt toán tới hàng chục nghìn tỷ đồng có đáng mừng không, khi một nửa trong số đó là thu từ sử dụng đất.
Thu ngân sách năm 2016 vượt dự toán: Đáng mừng hay đáng lo? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Câu hỏi được lãnh đạo Bộ Tài chính đặt ra với ngành thuế là: Số thu ngân sách vượt toán tới hàng chục nghìn tỷ đồng có đáng mừng không khi một nửa trong số đó là thu từ sử dụng đất.

Tăng thu nhờ bán đất

Thống kê về kết quả thu ngân sách do ngành thuế quản lý năm 2016 trong buổi tổng kết ngày 11/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, con số này là hơn 884.000 tỷ đồng, bằng 109,3% dự toán pháp lệnh.

Trong số này, trừ dầu thô thu không đạt dự toán, các khoản thu khác đều vượt khá so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, thu từ tiền sử dụng đất đạt theo báo cáo đạt hơn 97.000 tỷ đồng, bằng tới 195% dự toán. Lãnh đạo ngành thuế cũng cho hay, có 59/63 địa phương hoàn thành và vượt dự toán.

Đánh giá về những kết quả này Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong khi thu từ Trung ương cơ bản hoàn thành dự toán thì toàn bộ hàng chục nghìn tỷ đồng vượt dự toán là khoản thu từ địa phương. Tuy nhiên, điều này theo ông là “lo hơn mừng.”

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Tài chính, một nửa số vượt thu là từ đất trong đó có bán đất, bán quyền sử dụng đất.

“Về chuyên môn thì bán chỉ thu được 1 lần. Bây giờ thậm chí còn có hình thức cho thuê thu tiền một lần, khác gì bán,” Thứ trưởng nói.

Ông lưu ý, điểm mừng thực sự là việc tăng thu thực sự từ phát triển sản xuất kinh doanh, từ số doanh nghiệp có nộp thuế năm 2016 tăng so với năm 2015. Một trong những bằng chứng là, năm 2015, số doanh nghiệp nộp thuế là 518.000 doanh nghiệp. Một năm sau đó, con số này là khoảng 570.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nói thêm về khó khăn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, tình trạng thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là một trong những “cái khó.”

Khoản thu này năm 2016 theo tính toán chỉ bằng 95% năm 2015, tương đương mức giảm khoảng 9.000 tỷ đồng. So với dự toán, mức giảm lên tới 19.000 tỷ đồng.

“Số thu giảm thể hiện hiệu quả, chất lượng và tồn tại lớn của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay,” Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Một khó khăn nữa theo Thứ trưởng là nguồn lực từ khu vực ngân hàng, tổ chức tín dụng. Số thu từ khu vực này theo ông cũng chỉ bằng khoảng 79% so với bình quân các năm 2014-2015. Vấn đề được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra là các đơn vị đang xử lý nợ xấu bằng phương thức trích dự phòng rủi ro. Điều này khiến nộp ngân sách cũng giảm tương ứng.

Gánh nghìn tỷ đồng từ các lỗ hổng

Nói về năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, nhiệm vụ năm nay là nặng nề bởi sự ảnh hưởng từ những khó khăn trên “không giảm mà tiếp tục tăng.”

Với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, ông nhận xét ngành thuế “biết hơn ai hết” những khoản lỗ nghỉn tỷ đồng ở các dự án lớn.

Sự suy giảm nguồn thu từ khu vực này theo ông vẫn sẽ lặp lại trong năm 2017. Lỗ hổng trên theo Thứ trưởng này có thể khiến ngân sách hụt thu khoảng 12.000-14.000 tỷ đồng.

“Phải chia nhau khoản này ngay từ đầu năm, mỗi đơn vị gánh bao nhiêu,” Thứ trưởng chỉ đạo.

Khoảng trống thứ 2 được đại diện Bộ Tài chính nhắc tới là khu vực ngân hàng. Nhắc lại việc các ngân hàng vẫn phải tăng trích dự phòng, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, có thể phải tới năm 2019, tình trạng này mới chấm dứt.

“Ta lại có nhiệm vụ thực hiện giải pháp luật cho phép để tăng thu khoảng 6.000-8.000 tỷ đồng. Phải giao cụ thể cho các cục, chi cục, cơ quan và cả tổng cục,” ông nói.

Riêng với dầu thô, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, điều lo lắng không phải ở giá cả mà về tài chính của những dự án liên quan tới dầu đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, theo ông, năm 2016, cơ quan chức năng đã giảm nghĩa vụ thuế khoảng 2.500 tỷ đồng cho các dự án trong nước. Năm 2017, khoản tiền này sẽ tiếp tục được giảm cho các dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục