Thụy Sỹ thành lập đội đặc nhiệm khoa học về dịch COVID-19

Đội đặc nhiệm sẽ xác định các lĩnh vực nghiên cứu và các biện pháp hoặc sản phẩm đặc biệt mà cộng đồng khoa học Thụy Sỹ có thể nhanh chóng đóng góp cho các nỗ lực toàn cầu để chống COVID-19.
Cảnh sát phân luồng giao thông ở Basel, miền Bắc Thụy Sĩ trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát phân luồng giao thông ở Basel, miền Bắc Thụy Sĩ trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền liên bang Thụy Sỹ đã thành lập một đội đặc nhiệm khoa học để tư vấn cho Hội đồng Liên bang và phối hợp các nghiên cứu quốc gia của các trường đại học về virus corona chủng mới (SARS-Cov-2).

Trong thông báo của chính phủ được công bố ngày 31/3, đội đặc nhiệm khoa học về dịch COVID-19 do Matthias Egger, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu quốc gia của Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sỹ (SNSF) phụ trách.

Đội đặc nhiệm khoa học sẽ tư vấn cho chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên bang và bang khác có liên quan.

Nhóm này sẽ xác định các lĩnh vực nghiên cứu và các biện pháp hoặc sản phẩm đặc biệt mà cộng đồng khoa học Thụy Sỹ có thể nhanh chóng đóng góp cho các nỗ lực toàn cầu để chống COVID-19.

[Số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu vượt ngưỡng 30.000 người]

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, cộng đồng khoa học Thụy Sỹ cung cấp tiềm năng to lớn, có ảnh hưởng tích cực đến cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 thông qua việc nghiên cứu, đào tạo hoặc chuyển giao kiến thức.

Việc thành lập đặc nhiệm khoa học nhằm mục đích phối hợp nghiên cứu về virus SARS-Cov-2 đang được thực hiện trong các xét nghiệm chẩn đoán, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu lâm sàng và theo dõi liên lạc thông qua các ứng dụng kỹ thuật số mới, cũng như các vấn đề đạo đức và pháp lý liên quan.

Cho đến nay, các nhà khoa học và công ty dược phẩm Thụy Sỹ đang đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để phát triển các phương pháp điều trị hoặc vắcxin ngừa SARS-CoV-2.

Đội đặc nhiệm khoa học được thành lập theo lời kêu gọi của SNSF về việc nghiên cứu virus SARS-Cov-2 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại và chuẩn bị cho khả năng xảy ra dịch bệnh trong tương lai.

Một khoản tiền trị giá 5 triệu CHF (5,2 triệu USD) đã được dành cho các dự án này. Các khoản tài trợ cho mỗi dự án trong khoảng từ  50.000-300.000 CHF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục