TikTok phản đối lệnh cấm tải ứng dựng của Bộ Thương mại Mỹ

TikTok đã bày tỏ sự thất vọng, đồng thời nêu rõ "không đồng ý với quyết định của Bộ Thương mại Mỹ", cho rằng nó sẽ ngăn cản một công cụ "dành cho giải trí, tự thể hiện và kết nối."
TikTok phản đối lệnh cấm tải ứng dựng của Bộ Thương mại Mỹ ảnh 1(Nguồn: AFP)

Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 công bố quyết định cấm người dân nước này tải các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc trên điện thoại di động nhằm "đảm bảo an ninh quốc gia," TikTok đã chỉ trích quyết định trên của Washington.

Trong một tuyên bố, TikTok đã bày tỏ sự thất vọng, đồng thời nêu rõ "không đồng ý với quyết định của Bộ Thương mại Mỹ", cho rằng quyết định này sẽ ngăn cản một công cụ "dành cho giải trí, tự thể hiện và kết nối." TikTok cam kết chống lại quy định "không công bằng" trên.

Trước đó, cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo mọi động thái phân phối hoặc duy trì WeChat hoặc TikTok trên các cửa hàng ứng dụng trực tuyến sẽ bị cấm từ ngày 20/9. Ngoài ra, việc lưu trữ hoặc chuyển lưu lượng truy cập Internet liên quan đến WeChat sẽ bị cấm từ 20/9. Lệnh cấm tương tự với ứng dụng TikTok sẽ có hiệu lực muộn hơn, kể từ ngày 12/11.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cáo buộc các ứng dụng này của Trung Quốc "đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Mỹ." Do đó, người dân Mỹ sẽ không được tải các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc trên điện thoại di động từ ngày 20/9.

[Mỹ công bố cấm hoạt động giao dịch liên quan WeChat và TikTok]

Giới chức thương mại Mỹ cho rằng Tổng thống Donald Trump vẫn có thể hủy bỏ quyết định cấm người dân tải ứng dụng TikTok trước khi có hiệu lực vào ngày 20/9 tới nếu công ty ByteDance - chủ sở hữu của TikTok, đạt được thỏa thuận về việc chuyển nhượng quyền vận hành ứng dụng này tại Mỹ.

Quyết định này không cấm các công ty của Mỹ giao dịch với WeChat bên ngoài lãnh thổ nước này. Điều này có nghĩa các công ty đa quốc gia của Mỹ, trong đó có Walmart và Starbucks, vẫn có thể sử dụng các tính năng thanh toán của WeChat tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, quyết định cũng không cấm giao dịch với các công ty con của Tencent Holdings - chủ sở hữu của ByteDance, trong đó có các công ty kinh doanh trò chơi điện tử, cũng như không cấm các hãng công nghệ như Apple và Google loại TikTok hoặc WeChat ra khỏi kho ứng dụng ở bên ngoài nước Mỹ.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump đưa ra sắc lệnh hành pháp vào ngày 6/8, theo đó cho phép Bộ Thương mại có 45 ngày phải quyết định ứng dụng nào là mối đe dọa với an ninh quốc gia cần loại bỏ. Sắc lệnh này sẽ hết hạn vào ngày 20/9.

TikTok có khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ và rất được giới trẻ ưa thích. Thời gian qua, TikTok đã lọt vào "tầm ngắm" của giới chức Mỹ với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.

ByteDance đang đàm phán với Công ty phần mềm Oracle của Mỹ, có trụ sở ở Thung lũng Silicon, và các công ty khác nhằm thành lập một công ty mới, mang tên TikTok Global nhằm giảm lo ngại của Washington rằng nền tảng này có thể được phía Trung Quốc dùng để do thám Mỹ. Trong khi đó, WeChat có khoảng 19 triệu người sử dụng mỗi ngày tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục