TP Hồ Chí Minh đã có dự án nhà ở xã hội đầu tiên được vay gói 120.000 tỷ đồng

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại phường Thạnh Mỹ Lợi có quy mô 1.040 căn, do Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư là dự án đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh được vay gói 120.000 tỷ đồng.

Một khu nhà ở xã hội. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)
Một khu nhà ở xã hội. (Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN)

Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, Thành phố Hồ Chí Minh đã có dự án nhà ở xã hội đầu tiên được cấp vay vốn.

Tuy nhiên, với nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng này trên địa bàn thành phố vẫn ở mức rất thấp.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê thuộc cụm công nghiệp tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Hồ Chí Minh đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cấp hạn mức tín dụng cho vay 680 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2024, dư nợ giải ngân cho vay đạt 170 tỷ đồng.

Dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê thuộc cụm công nghiệp tại phường Thạnh Mỹ Lợi có quy mô 1.040 căn, do Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư.

Đây cũng là dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được cấp giải ngân kể từ khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai.

Trước đó, vào tháng 4/2023, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) cam kết triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2023 về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Lãi suất cho vay của chương trình này thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn Việt Nam đồng bình quân của 4 ngân hàng.

Ngoài 4 ngân hàng trên, mới đây, hai ngân hàng TPBank và VPBank đã đăng ký tham gia chương trình và mỗi ngân hàng cam kết cho vay 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, đến nay số tiền cam kết cho vay phát triển nhà ở xã hội của 6 ngân hàng đã là 130.000 tỷ đồng.

Dù quy mô gói tín dụng đã tăng lên, thế nhưng tỷ lệ giải ngân ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung vẫn rất thấp.

Lý giải nguyên nhân gói tín dụng triển khai còn chậm, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 đồng dựa trên cơ sở các dự án nhà ở xã hội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố. Hiện, thành phố có 6 dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, phần lớn các dự án đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý hoặc chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn theo gói này, vì bản thân doanh nghiệp cũng đang được tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất thấp so với thị trường.

Chẳng hạn như trước đây Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư cũng đã được vay vốn với gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ở góc độ quản lý về nhà ở xã hội, lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. Do đó, số lượng nhà ở được phát triển trong thời gian qua vẫn khá khiêm tốn, không thể đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân.

Tính từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành 4 dự án, gồm 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.233 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 112.385m2.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công; trong đó, 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 4.386 căn hộ.

Thực tế cho thấy, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý cũng như có thời gian hỗ trợ lãi suất chưa đủ hấp dẫn đối với chủ đầu tư dự án cũng như người vay mua nhà.

Một số chủ đầu tư không thể tiếp cận gói ưu đãi do không đáp ứng hồ sơ vay vốn của ngân hàng như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại buổi họp báo mới đây, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay, các ngân hàng thương mại mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 1% quy mô gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay.

Trước tình hình giải ngân gói tín dụng ưu đãi còn chậm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ thay đổi mức lãi suất đối với người vay mua nhà.

Cụ thể, sẽ giảm 3% so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, thay vì 2% như hiện nay.

Thời gian xác định lãi suất cho vay 3 tháng/lần, được rút ngắn một nửa so với hiện nay; đồng thời, thời hạn vay ưu đãi kéo dài từ 3 năm lên thành 5 năm và trong 5 năm tiếp theo vẫn tiếp tục được giảm lãi suất tùy thuộc vào điều kiện của nền kinh tế thời điểm đó.

Những đề xuất mới này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay, tránh tình trạng lãi suất bị đẩy cao khi hết thời gian ưu tiên, gây tâm lý lo lắng cho người mua nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục