TP.HCM: Chất lượng tăng trưởng chưa vững chắc

Việc tổng vốn đầu tư tăng nhưng tăng trưởng GDP giảm đã cho thấy chất lượng tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn thấp.
Dành trọn ngày làm việc thứ ba (10/12) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VII đã đi sâu vào phân tích, đánh giá và làm rõ thêm tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong năm 2009.

Đồng thời giải quyết những vấn đề bức xúc, được cử tri quan tâm ở các lĩnh vực dân sinh của các sở, ngành thành phố.

Chất lượng tăng trưởng chưa vững chắc

Đã rất lâu vấn đề tăng trưởng kinh tế mới trở lại là nội dung trọng tâm trên bàn nghị sự của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Lần lượt Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Lai và Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Thái Văn Rê đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố xung quanh vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng

Theo ông Thái Văn Rê, năm 2009 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt 143.262 tỉ đồng, tăng 18,3% (cùng kỳ 2008 tăng 23,7%), tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ước đạt từ 7,5-8% (cùng kỳ tăng 10,7%). Sự trái ngược là tổng vốn đầu tư tăng nhưng tăng trưởng GDP giảm đã cho thấy chất lượng tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh còn thấp.

Các đại biểu cho rằng đầu tư như vừa qua là không hiệu quả khi để chỉ số ICOR (hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư) tăng cao ở mức 5,56 (năm 2008 là 4,8) và chỉ ra rằng, đó là do thành phố đầu tư vào những điểm, những lĩnh vực không tạo tăng trưởng.

Đồng tình với các đại biểu, ông Thái Văn Rê nhìn nhận chất lượng tăng trưởng của thành phố chưa vững chắc. “Do chi phí sản xuất kinh doanh còn rất cao nên dẫn đến hạn chế giá trị gia tăng, đóng góp tăng trưởng GDP thấp. Chúng ta phải bỏ nhiều đồng vốn đầu tư hơn trước mới có được một đồng tăng trưởng”, ông Rê dẫn giải.

Tăng trưởng kinh tế thành phố còn chưa bền vững khi các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, hàm lượng công nghệ cao vẫn còn ít, chưa thu hút đầu tư được nhiều mà chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực gia công như các ngành nghề dệt may, da giày, lắp ráp điện tử…

Ông Rê cho biết: “Xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn trong GDP của thành phố, nhưng giá trị gia tăng thấp, như trong xuất khẩu hàng dệt may, chủ yếu là gia công còn nguồn nguyên liệu, phụ liệu đa phần là nhập ngoại. Cần phải phát triển nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước và giảm nhập khẩu từ nước ngoài, có như thế giá trị xuất khấu mới tăng nhiều”.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Tài nhìn nhận chỉ số ICOR tăng cao trong hai năm qua là đáng lo, vì vậy trong phát triển kinh tế năm 2010 Thành phố đã xác định tập trung số 1 cho chất lượng tăng trưởng, theo hướng phát triển bền vững.

"Thành phố sẽ đi vào chất lượng tăng trưởng, qua việc nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế đi cùng với đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân đi lên”, ông Tài cho biết.

Quy hoạch vẫn “treo”

Dù đã có nhiều cải thiện nhưng những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực dân sinh đã khiến chất lượng cuộc sống người dân chưa thật sự chuyển biến theo hướng bền vững.

Những vấn đề “cũ mà không cũ” lại được mổ xẻ tại kỳ họp lần này, là quy hoạch treo, ngập nước, ô nhiễm môi trường từ các bãi rác, chất lượng giáo dục đào tạo chưa được nâng lên…

Đề cập đến dự án Bình Quới-Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã bị “treo” đến 17 năm (từ năm 1992 đến nay), nhiều đại biểu không đồng tình với việc “sở đổ trách nhiệm cho quận, quận nói do sở” trong việc phê duyệt quy hoạch dự án, khiến đời sống của 12.000 người dân thuộc gần 4.000 hộ bị ảnh hưởng suốt thời gian qua.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Phạm Phương Thảo cho rằng dự án treo do vướng nhiều sở, ngành nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư phải là đầu mối chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương khác trong việc xử lý các quy hoạch, dự án bị kéo dài.

Cũng trên lĩnh vực quy hoạch, có đại biểu đã chỉ ra hiện trạng quy hoạch của các quận, huyện còn lúng túng, chưa có một quy trình nhất định, dẫn đến tình trạng “có lúc có nơi là áo tứ thân, có lúc có nơi là áo bà ba”!

Về dự án Bình Quới-Thanh Đa, ông Nguyễn Thành Tài thừa nhận trong triển khai thực hiện thành phố chưa tính hết những hệ lụy, dẫn đến việc quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và cho biết ngay sau kỳ họp này, Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ có cuộc họp riêng xem xét lại toàn bộ dự án để có hướng giải quyết triệt để.

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước do bãi rác Đa Phước gây ra cũng như trước thông tin “thành phố bị Kiểm toán Nhà nước cho rằng chi sai 9 triệu đôla”, ông Nguyễn Thành Tài khẳng định đến nay thành phố chưa nhận được biên bản kiểm toán về bãi rác Đa Phước từ Kiểm toán Nhà nước.

Thành phố đã sử dụng kinh phí đúng quy định, không chi kinh phí sự nghiệp cho nhà đầu tư. Tới đây Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ họp với Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố, các sở, ngành liên quan và một số đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố để làm rõ hơn về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục