TP.HCM mở rộng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân

TP.HCM sẽ thực hiện tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt đối tượng, không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú, chỉ cần cư trú trên địa bàn thành phố đều được tiêm.
TP.HCM mở rộng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân ảnh 1Điểm tiêm vaccine tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Nhìn trên biểu đồ, số bệnh nhân COVID-19 (các F0) đang đi ngang, cho thấy những cố gắng nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày qua.

Nếu Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp, có sự hợp tác đầy đủ giữa lực lượng phòng, chống dịch và người dân, diễn biến dịch tại thành phố sẽ có diễn tiến tích cực hơn.

Đây là nội dung được Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đưa ra tại buổi họp cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố chiều 30/7.

Theo Phó Chủ tịch ban Ủy nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, muốn kéo biểu đồ COVID-19 đi xuống, thành phố cần phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 1-2 tuần nữa, sau ngày 1/8. Thành phố sẽ sớm có thông báo chính thức.

Vì vậy, bản thân mỗi người dân cần chia sẻ, đồng lòng, chung sức và nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. 

Về công tác tiêm chủng vaccine, ông Dương Anh Đức cho biết, Bộ Y tế đã có công văn số 6118 gửi Thành phố Hồ Chí Minh về tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Qua đó, Bộ Y tế đã cho phép thành phố tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc độ tiêm. Thành phố sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức tiêm theo công văn của Bộ Y tế. 

Trước đó, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đề ra mục tiêu tiêm vaccine, cố gắng trong tháng 8/2021 tiêm cho 2/3 dân số thành phố, những người trên 18 tuổi.

Vì vậy, trong đợt tiêm chủng tiếp theo này, ngoài các nhóm đối tượng ưu tiên, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt đối tượng, không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú, chỉ cần cư trú trên địa bàn thành phố đều sẽ được tiêm. 

[TP.HCM triển khai tiêm vaccine cho người dân sau 18 giờ hằng ngày]

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Bộ Y tế có yêu cầu huy động tối đa nguồn nhân lực, tổ chức tiêm linh động. Bên cạnh những đội tiêm cố định, thành phố sẽ tổ chức các đội tiêm lưu động để đảm bảo đi từng ngóc ngách cộng đồng dân cư hoặc có thể tiêm chủng cho các công nhân tại doanh nghiệp thực hiện tổ chức “3 tại chỗ.” 

Bên cạnh đó, thành phố sẽ không giới hạn số lượng tiêm mỗi ngày, có thể tổ chức nhiều hơn 200 liều/ngày/điểm để đẩy nhanh tiến độ.

Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng vào buổi tối, có quy định về việc người dân đi tiêm chủng được phép ra ngoài sau 18 giờ với các giấy tờ nhận diện cụ thể.

Theo ông Dương Anh Đức, từ đợt tiêm chủng thứ 5, thành phố đã giao vai trò chủ chốt trong tiêm vaccine cho các quận, huyện. Sở Y tế có nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực, có quy định cụ thể cho các đội tiêm, quản lý tiêm ở một số bệnh viện tuyến trên để tiêm cho người có nguy cơ cao.

Quy trình tiêm sẽ được đơn giản hóa, sẽ không ràng buộc phải đợi sau tiêm 30 phút. Việc khai báo tầm soát hoặc cam kết tiêm chủng có thể làm trước tại nhà để hạn chế tối đa việc tập trung. 

“Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của thành phố là tổ chức tiêm chủng sao cho quy củ và đảm bảo tiến độ. Với lộ trình này, thành phố kỳ vọng tốc độ tiêm chủng sẽ tăng lên đáng kể, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19,” ông Dương Anh Đức nói.

Hiện, nguồn vaccine chính của Thành phố Hồ Chí Minh là do Bộ Y tế phân bổ, vaccine về đến đâu tiêm đến đó. Ngoài ra, thành phố có nguồn vaccine tài trợ, dự kiến ngày mai (31/7) sẽ có 1 triệu liều về tới sân bay Tân Sơn Nhất. 

Về tiến độ tiêm chủng, theo thống kê của ngành Y tế, từ ngày 22/7 đến trưa 30/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được khoảng 490.000 liều vaccine. Theo tốc độ những ngày gần đây, số lượng tiêm sẽ trên 70.000 người/ngày.

Siết chặt tình trạng mua, bán test nhanh tại nhà thuốc

Tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, có nhiều ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày khiến người dân rất lo lắng. Do vậy, nhiều người dân tự tìm đến các nhà thuốc mua các test nhanh để tự thực hiện xét nghiệm. 

Nhằm đảm bảo việc sử dụng các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán, xét nghiệm COVID-19 đúng mục đích và có kết quả chính xác, ngày 30/7, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Phòng Y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về việc chấn chỉnh mua bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán, xét nghiệm COVID-19 (trong đó có test nhanh) tại các nhà thuốc.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các nhà thuốc bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán xét nghiệm COVID-19 (ví dụ các test nhanh) phải đăng ký chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế. 

Về việc người dân có được làm test nhanh COVID-19 tại nhà, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Y tế đã công bố các test nhanh được cấp phép.

Đồng thời, ngành Y tế đã nhắc nhở các nhà thuốc không có chức năng kinh doanh về trang thiết bị nếu muốn bán test nhanh phải có đăng ký và người dân có thể mua test nhanh tại các địa điểm được phép kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhà thuốc chỉ được mua các loại sinh phẩm trang thiết bị y tế, test nhanh do Bộ Y tế cấp phép lưu hành và phải mua từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được công bố theo quy định). 

Dược sỹ phụ trách chuyên môn nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn người mua sử dụng đúng mục đích theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người dân liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp chuyên môn kịp thời khi có kết quả nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện nay, người dân lo lắng nên tự trang bị thiết bị oxy tại nhà, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, người dân nên cân nhắc vì oxy được sử dụng là oxy y tế, đảm bảo được các tiêu chuẩn của ngành y.

Chia sẻ về vấn đề thân nhân mất dấu người bệnh khi nhập viện, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, nguyên nhân là do khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện do bệnh viện quá tải nên chuyển đi bệnh viện khác dẫn đến mất dấu bệnh nhân.

Vì vậy, ngành Y tế đang hoàn chỉnh phần mềm để người dân có thể tra cứu thông tin bệnh nhân để tránh xảy ra sự thiếu sót./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục