Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì từ vụ thử tên lửa thứ ba?

"Nếu các tên lửa mà Triều Tiên phóng thử là phiên bản của tên lửa Iskander thì cuộc thử nghiệm nhằm tối ưu hóa sự sẵn sàng của quân đội trong vận hành các tên lửa trước khi đưa vào chiến đấu."
Vụ thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật mới tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 21/3/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Vụ thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật mới tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 21/3/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 21/3 thông báo Triều Tiên đã phóng hai vật thể dường như là tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông nước này.

Thông báo cho biết các tên lửa tầm ngắn được bắn từ khu vực gần quận Sonchon, tỉnh Bắc Pyongan (phía Tây Triều Tiên), lúc 6 giờ 45 phút và 6 giờ 50 phút (giờ địa phương).

Thông báo cũng nhắc lại những đánh giá trước đó rằng vụ phóng thử này có thể “là một phần của cuộc tập trận quân sự mùa Đông của quân đội Triều Tiên” song đồng thời cũng là một phản ứng trước các lệnh trừng phạt kéo dài của Liên hợp quốc áp đặt lên nước này.

Theo truyền thông Hàn Quốc ngày 21/3, đây là vụ phóng thứ ba liên tiếp của Triều Tiên kể từ đầu năm 2020, diễn ra 12 ngày sau hai vụ phóng liên tiếp hồi đầu tháng này.

Ngày 2/3 và 9/3 vừa qua, quân đội Triều Tiên đã phóng lần lượt 2 và 3 tên lửa từ bờ biển phía Đông nước này và sử dụng bệ phóng di động đa nòng siêu lớn.

Khi đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) đánh giá động thái này nằm trong khuôn khổ đợt tập trận tấn công liên hợp nhằm cải thiện tính năng, nâng cao độ chính xác của vũ khí.

Triều Tiên sau đó đã tuyên bố đơn vị pháo binh tầm xa tiền tiêu ở mặt trận phía Tây của nước này đã thực hiện hai vụ phóng trên, dưới sự giám sát và chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un.

Hiện, vẫn chưa rõ liệu ông Kim Jong-un có trực tiếp chỉ đạo vụ phóng này hay không song giới chức Hàn Quốc vẫn cho rằng khả năng có là nhiều hơn.

Trong một diễn biến liên quan, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 22/3 cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp tham gia chỉ đạo cuộc thử nghiệm loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới của quân đội Triều Tiên ở mặt trận phía Tây diễn ra trong ngày 21/3 vừa qua.

"Vụ thử nghiệm lần này nhằm tái khẳng định và trình diễn cho các sỹ quan chỉ huy quân đội Triều Tiên thấy được quỹ đạo bay, góc rơi, độ chính xác và sức mạnh của loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới."

KCNA cũng cho biết đây là loại vũ khí chiến thuật mới nhất vừa được Triều Tiên phát triển đồng thời dẫn lời ông Kim Jong-un nói rằng "Sự thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí mới theo tiêu chuẩn của chúng ta là một sự kiện lớn đánh dấu sự phát triển và sự khác biệt trong lực lượng vũ trang của chúng ta.”

Ông Kim nhấn mạnh thêm: "Hệ thống vũ khí vừa được phát triển cũng như hệ thống vũ khí chiến thuật và chiến lược đang trong giai đoạn phát triển sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện kế hoạch chiến lược của Đảng nhằm thay đổi chiến lược quốc phòng.”

[Ông Kim Jong-un giám sát vụ thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật]

Trước động thái thử nghiệm vũ khí mới nhất của Triều Tiên, JCS gọi đó là một hành động “rất không phù hợp” trong bối cảnh toàn thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, đồng thời kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng dừng ngay những động thái khiêu khích quân sự tương tự.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời một số nhà quan sát nhận định rằng các tên lửa mà Bình Nhưỡng vừa phóng thử có thể là “phiên bản Triều Tiên” được cải tiến từ tên lửa thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ (ATACMS), hoặc tên lửa đạn đạo Iskander của Nga.

Thay vì đi theo một quỹ đạo parabol chung, các tên lửa của Triều Tiên đã cho thấy một quỹ đạo bay phức tạp hơn khi sử dụng động cơ đẩy.

Theo các sỹ quan quân đội, tính năng này đã được hiển thị với ATACMS hoặc Iskander.

Giáo sư Kim Dong-yup thuộc Viện Viễn Đông của Đại học Kyungnam cho biết: "Với cách thử vũ khí điển hình, Triều Tiên nhiều khả năng đã vận chuyển tên lửa ATACMS đến khu vực phía Tây của đất nước rồi sau đó phóng thử để tên lửa bay trên không phận của mình trước khi rơi xuống biển Nhật Bản."

Một số chuyên gia Hàn Quốc cũng đồng tình với quan điểm này khi nhấn mạnh thêm rằng việc Bình Nhưỡng để tên lửa bay trên lãnh thổ của họ là để “kiểm chứng độ chính xác” của chúng.

Năm 2019, Triều Tiên đã thực hiện tổng cộng 13 đợt thử vũ khí, liên quan đến một số loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Giáo sư Kim Dong-yup nhấn mạnh thêm rằng: "Triều Tiên đã tìm cách hiện đại hóa hoặc nâng cấp vũ khí thông thường, có thể gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Hàn Quốc."

Kiểu bay và tính năng phức tạp như sử dụng nhiên liệu rắn và được phóng từ một bệ phóng di động (TEL) sẽ giúp loại tên lửa này khó bị phát hiện và khó bị đánh chặn hơn.

Theo nhật báo Korea Herald (Hàn Quốc), quân đội nước này vẫn nghiêng về nhận định rằng Bình Nhưỡng đã tung ra phiên bản ATACMS của riêng họ vốn đã được thử nghiệm 2 lần vào tháng 8/2019.

Báo trên dẫn lời các chuyên gia cho rằng các vụ phóng mới nhất là nhằm giới thiệu hiệu suất đã được cải thiện của loại tên lửa này.

Minh chứng rõ nét nhất là hai quả tên lửa đã được phóng cách nhau 5 phút (ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian trung bình 15 phút của đợt thử nghiệm năm 2019).

Các tên lửa này cũng cho thấy đã có tầm bắn xa hơn, bay từ bờ biển phía Tây (trái ngược với lần thử nghiệm ở bờ biển phía Đông) và rơi vào biển Nhật Bản.

Shin Jong-woo, nghiên cứu viên cao cấp tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc cho rằng “Đây là tên lửa được thử nghiệm theo kiểu cổ điển của Triều Tiên. Chỉ riêng lần này tên lửa được (họ) di chuyển xa hơn về phía Tây sau đó tiến hành phóng thử để kiểm tra quỹ đạo bay dài hơn."

Tuy nhiên, nếu các tên lửa mà Triều Tiên phóng thử lần này là phiên bản của tên lửa Iskander, thì cuộc thử nghiệm là nhằm tối ưu hóa sự sẵn sàng của quân đội trong vận hành các tên lửa trước khi đưa vào chiến đấu.

Kim Dong-yub, nhà phân tích của Viện nghiên cứu Viễn Đông (IFES) ở Seoul, cho rằng “Triều Tiên có thể đang quan tâm đến việc tìm kiếm các đơn vị phụ trách loại tên lửa này.”

Trong một diễn biến liên quan, KCNA ngày 22/3 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một bức thư tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un nêu chi tiết một kế hoạch nhằm tăng cường quan hệ song phương, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa hai nước đang rơi vào bế tắc kéo dài.

Bản tin của KCNA dẫn lời bà Kim Yo-jong (em gái của ông Kim Jong-un) Phó chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên nêu rõ: “Trong bức thư, ông (Trump)... đã giải thích kế hoạch của mình nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Triều Tiên và Mỹ, đồng thời bày tỏ ý định hợp tác trong công tác chống dịch bệnh,” ám chỉ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục