Trung Quốc bắt đầu nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ

Cục Quản lý xuất bản và báo chí quốc gia Trung Quốc đã cho phép phát hành 60 tựa game mới - tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang dần nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ tại quốc gia này.
Trung Quốc bắt đầu nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ ảnh 1(Nguồn: supchina.com)

Ngày 8/6, Trung Quốc đã cấp phép phát hành hàng chục trò chơi điện tử mới giúp đẩy giá cổ phiếu của một số công ty công nghệ hàng đầu cả nước.

Các chuyên gia phân tích thị trường đánh giá là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang dần nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ tại quốc gia này.

Cụ thể, Cục Quản lý xuất bản và báo chí quốc gia Trung Quốc đã cho phép phát hành 60 tựa game mới, sau đợt cấp phép đầu tiên trong năm nay diễn ra hồi tháng Tư.

Các tựa game do tập đoàn Tencent và đối thủ NetEase sản xuất không nằm trong số các game được cấp phép phát hành mới nhất, song trong số này có các sản phẩm của công ty trực tuyến Perfect World và miHoYo - nhà phát hành tựa game nổi tiếng thế giới "Genshin Impact."

[WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022]

Các chuyên gia phân tích của Citi cho rằng việc các công ty Perfect World, Shengqu Games, MiHoYo và Changyou được cấp phép phát hành game lần này là dấu hiệu cho thấy khả năng cao các sản phẩm của Tencent và NetEase cũng sẽ sớm được "bật đèn xanh."

Ngay sau đó, các mã cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc đã tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), trong đó cổ phiếu của Tencent và NetEase lần lượt tăng 4,7% và 2,9%.

Các nhà đầu tư và chuyên gia đều nhìn nhận thị trường với tâm lý tích cực, trong bối cảnh cuộc điều tra pháp lý với công ty gọi xe Didi cũng đã khép lại đầu tuần này.

Thông tin về việc cấp phép phát hành game cũng giúp thị trường công nghệ nói chung lấy lại đà tăng trưởng, trong đó Alibaba tăng 8% và JD.com tăng hơn 4%.

Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm siết chặt kiểm soát đối với thị trường trò chơi điện tử lớn nhất thế giới này.

Các biện pháp được áp dụng bao gồm giới hạn thời gian chơi điện tử của trẻ em - nhằm chống lại chứng nghiện game ở trẻ, hay ngừng cấp phép phát hành game mới trong 9 tháng.

Thời gian gần đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và chính phủ đang nỗ lực tìm cách để thúc đẩy phục hồi kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục