Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Nga ở Trung Á trong thập kỷ tới?

Báo cáo của Viện Kennan thuộc Trung Tâm Wilson cho biết Trung Quốc đang xâm nhập vào các nền cộng hòa từng thuộc Liên Xô trước đây, vốn là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga.
Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Nga ở Trung Á trong thập kỷ tới? ảnh 1Ảnh minh họa.

Theo trang mạng eurasiareview.com, theo một báo cáo mới đây, Trung Quốc đang từng bước tăng cường dấu ấn an ninh ở Trung Á và thu hẹp khoảng cách với Nga ở khu vực này, một xu hướng có thể sẽ chứng kiến sự “suy yếu ảnh hưởng của Moskva trong thập kỷ tới."

Báo cáo ra ngày 27/5 của Viện Kennan thuộc Trung Tâm Wilson, một hãng tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết Bắc Kinh đang xâm nhập vào các nền cộng hòa từng thuộc Liên Xô trước đây tại khu vực lân cận của mình, vốn là vùng ảnh hưởng truyền thống của Moskva, thông qua việc tăng cường các thương vụ vũ khí, các chương trình huấn luyện và các tiền đồn quân sự mới.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga vẫn duy trì vị thế là một nhà đảm bảo an ninh chính của khu vực, mặc dù Điện Kremlin đồng thời cũng phải chấp nhận ưu thế vượt trội về kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á.

Điều này khiến nhiều nhà bình luận mô tả động lực của Bắc Kinh và Moskva ở khu vực là một sự phân chia công việc, nơi Nga định hình Trung Á thông qua các mối quan hệ chính trị và quân sự, còn Trung Quốc hoạt động với tư cách một chủ nợ và điều phối sự tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) trị gia hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo này cũng phát hiện ra rằng Trung Quốc những năm gần đây đã tiến hành “các cuộc xâm nhập quan trọng vào lĩnh vực an ninh," phá vỡ sự phân chia quyền lực giữa hai quốc gia này và mở đường cho những bất đồng gia tăng trong tương lai.

Bradley Jardine, tác giả chính của báo cáo và cũng là một nghiên cứu sinh tại Viện Kissinger chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson, nói: “Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận về quan điểm rằng đang có một sự phân chia hợp lý tại Trung Á, nơi Nga phụ trách vấn đề an ninh còn Trung Quốc làm kinh tế, song thực tế thì sự phân chia này đang mờ dần. Trung Quốc thực sự đã trở thành một cường quốc mạnh trong khu vực."

Báo cáo nhấn mạnh rằng sự thay đổi này được thể hiện rõ trong các thương vụ Trung Quốc bán vũ khí cho các chính phủ ở Trung Á, theo đó Bắc Kinh cung cấp tới 18% thiết bị quân sự của khu vực trong 5 năm trở lại đây, một sự gia tăng ấn tượng từ mức rất nhỏ là 1,5% trong giai đoạn từ 2010-2014.

Những thương vụ này trải rộng từ vũ khí và phương tiện vận tải cho đến các thiết bị công nghệ cao như là máy bay không người lái có vũ trang, một mặt hàng đang rất được săn lùng sau khi thị trường toàn cầu bị Mỹ và Israel mua sạch.

Trung Quốc cũng đã xây dựng các cơ sở quân sự đầu tiên của mình trong khu vực, thiết lập một sự hiện diện dù nhỏ nhưng ngày càng mở rộng tại Tajikistan, nước có chung đường biên giới phía Nam dài 1.356 km với Afghanistan và biên giới phía Đông dài 476 km với Trung Quốc.

Một báo cáo năm 2019 của tờ Bưu điện Washington đã phát hiện ra một khu phức hợp quân sự nhỏ của Trung Quốc cùng với các cán sự người Trung Quốc ở Tajikistan.

Một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal cùng năm đã trích lời một số nguồn tin tiết lộ một thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Tajikistan mà theo đó Bắc Kinh được bảo đảm các quyền “tân trang hoặc xây dựng tới 3-40 trạm gác ở khu vực biên giới phía Tajikistan của nước này với Afghanistan.

Bắc Kinh cũng đang nỗ lực duy trì các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của mình tại Trung Á bằng cách mở rộng dấu ấn an ninh của mình. Các thương vụ vũ khí của Nga tại khu vực thường dao động ở mức 60% trong những năm gần đây, có nghĩa là sự phát triển của Trung Quốc cho đến nay vẫn không khiến Nga phải chia sẻ thị trường. Tuy nhiên, theo báo cáo, điều này có thể sẽ thay đổi trong những năm tới đây.

Jardine nói: “Đã có nhiều người nói về sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nga, song trên thực tế nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự cạnh tranh này vẫn chưa thực sự bắt đầu. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục phát triển với tư cách một nhà cung ứng vũ khí, họ sẽ phải ăn vào thị phần của Nga và đó chính là lúc chúng ta có thể bắt đầu chứng kiến một số căng thẳng giữa Bắc Kinh và Moskva."

Tuy nhiên, Nga vẫn là thế lực quân sự bên ngoài vượt trội và là nhà cung ứng vũ khí lớn nhất của khu vực này. Moskva đang duy trì các cơ sở dọc khắp Trung Á, trong đó có hơn 7.000 binh lính đồn trú tại Tajikistan và một căn cứ không quân ở Kyrgyzstan, với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga dẫn đầu vẫn là một mấu chốt quan trọng cho các mối quan hệ với các quân đội trong khu vực.

Bất chấp vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh, Bắc Kinh và Moskva vẫn duy trì một mối quan hệ đối tác lớn đã chứng kiến sự phát triển ngày càng sâu sắc hơn trong những năm gần đây và cả hai cũng chia sẻ những mục tiêu giống nhau tại Trung Á: ngăn ngừa sự bất ổn tiềm tàng đến từ Afghanistan và dập tắt bất cứ sự trỗi dậy nào của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. 

Trung Quốc và Nga cũng cùng chung một đối thủ là Mỹ. Cả hai đang hợp tác để giảm bớt sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, hoan nghênh viêc Mỹ đóng cửa một căn cứ không quân tại Kyrgyzstan năm 2014 và giảm bớt quân sự đóng tại Afghanistan.

Tuy nhiên, cả hai nước cũng đang tăng cường tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau trong khu vực. Theo báo cáo của Viện Kennan, các chương trình tập huấn cho các sỹ quan quân sự Trung Á đang ngày càng quan trọng đối với cả Moskva lẫn Bắc Kinh.

Đối với các thương vụ vũ khí, Nga vẫn là nước dẫn đầu với các kênh huấn luyện mạnh mẽ thông qua các trường quân sự tại cả 5 quốc gia Trung Á. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tìm cách đuổi kịp Nga trong vấn đề này.

[Chuyên gia bàn về những tam giác chiến lược tại khu vực châu Á]

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - trong đó cả Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, and Uzbekistan đều là thành viên - là một phương tiện quan trọng cho nỗ lực này, với kế hoạch thiết lập một trung tâm huấn luyện 2.000 sỹ quan cấp cao từ các quốc gia SCO từ nay đến năm 2021.

Bắc Kinh cũng đang xúc tiến việc huấn luyện sỹ quan quân sự Trung Á trên nền tàng song phương. Mặc dù số lượng này vẫn kém xa Nga, song cả hai đơn vị bán quân sự Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Hoa (PAP) và các trường đào tạo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đều đang huấn luyện các sỹ quan từ khu vực này, mặc dù tên tuổi của các học viên không được công khai.

Trong khi cả Trung Quốc và Nga đều phụ thuộc vào một sự kết hợp giữa các mối quan hệ song phương và các tổ chức đa phương, báo cáo lưu ý rằng Bắc Kinh đang tích cực phát triển các sáng kiến riêng của họ cho khu vực mà không cần Moskva.

Năm 2017, Moskva thúc đẩy cho Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO, một động thái mà nhiều nhà quan sát coi là cách để "làm loãng" tổ chức này và để giám sát sự ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách chào đón hai quốc gia có lịch sử bất thường này. Điều này đã khiến chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc thay đổi - ở một chừng mực nào đó - với việc thành lập một tổ chức mới không có sự tham gia của Nga, với tên gọi Cơ chế Hợp tác và Phối hợp 4 bên (QCCM), nơi Afghanistan, Trung Quốc, Pakistan và Tajikistan hợp tác với nhau để chống khủng bố.

Tương tự, PAP cũng đã xúc tiến các cuộc tập trận và tăng cường hợp tác với các đơn vị cảnh vệ quốc gia Trung Á, với sự tham gia của các nước Kyrgyzstan, Uzbekistan, và Tajikistan trong một cuộc tập trận năm 2019 - một động thái thu hút sự chú ý của Moskva.

Mặc dù vai trò và ảnh hưởng của Nga trong lĩnh vực an ninh ở Trung Á vẫn rất mạnh mẽ, song Trung Quốc đang trở nên ngày càng tích cực hơn và sẽ gia tăng sự hiện diện ở khu vực trong những thập kỷ tới.

Jardine kết luận: “Nga hiện bị coi là một sức mạnh đang suy tàn trong các quỹ đạo của Trung Quốc. Về lâu dài, Bắc Kinh cần chuẩn bị cho một sự rút lui của Nga, và thực tế là họ cũng đang chuẩn bị cho điều đó ngay từ lúc này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục