Truyền máu-Huyết học Việt Nam đạt bước tiến vượt bậc về tế bào gốc

900 đại biểu là giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, kỹ thuật viên… cả nước tham dự Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng lần thứ ​tư năm 2017 diễn ra ở thành phố Đà Lạt, ngày 22- 23/12.
(Ảnh minh họa: Đồng Thúy/TTXVN)

Trong hai ngày 22- 23/12, Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng lần thứ ​tư năm 2017 diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, thu hút 900 đại biểu là giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, kỹ thuật viên… trong cả nước.

Hội nghị còn có 30 bài thuyết trình chuyên đề của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ 10 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại phiên toàn thể ngày thứ nhất, các đại biểu đã được nghe các báo cáo chuyên đề của các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực ghép tế bào gốc, những tiến bộ trong điều trị bệnh lý huyết học và cận lâm sàng.

[TTXVN sôi nổi ngày hội hiến máu tình nguyện Kết nối dòng máu Việt]

Phiên thứ hai (ngày 23/12) được tổ chức tại ba hội trường riêng biệt, sẽ có 70 bài thuyết trình từ các chuyên gia về truyền máu huyết học về các nội dung: huyết học lâm sàng, truyền máu-ngân hàng máu, xét nghiệm, miễn dịch, di truyền học-sinh học phân tử…

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bác sỹ chuyên khoa II Phù Chí Dũng, Chủ tịch Hội Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học cho biết, đây là Hội nghị thường niên, tổ chức lần thứ tư với quy mô lớn nhất, với sự có mặt của nhiều báo cáo viên nước ngoài.

Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Hội nghị cũng nhằm đặt ra phương hướng hoạt động cho các đối tác quốc tế từ nay tới năm 2020.

Theo bác sỹ Phù Chí Dũng, trong các lĩnh vực khoa học của ​Việt Nam, ngành Y tế, nhất là trong lĩnh vực Truyền máu-Huyết học đã có những bước tiến vượt bậc, ứng dụng những kỹ thuật mới như tế bào gốc, giúp điều trị cho bệnh nhân mắc các các bệnh về máu và có liên quan. Một số lĩnh vực đã tiếp cận với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Thành công của phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu có ý nghĩa to lớn, giúp người mắc bệnh máu nan y có thể trở thành người khỏe mạnh, tham gia lao động, cống hiến cho xã hội.

Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng lần thứ tư năm 2017 là hội nghị đầu tiên ở Việt Nam tổ chức theo phương pháp kết nối trên Internet, tạo điều kiện cho các chuyên gia y tế trên thế giới không có điều kiện tham dự trực tiếp vẫn có thể theo dõi hội nghị.

Toàn bộ các văn bản, báo cáo được sử dụng song ngữ Việt-Anh để các đại biểu theo dõi, làm tiền đề cho quá trình hội nhập thế giới.

Tại hội nghị, các đơn vị trong nước và nước ngoài có 20 gian hàng giới thiệu các thành tựu về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục