Tương lai nào cho New START sau khi hết hạn vào 2021?

Sau sự sụp đổ của INF khi Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này với lời cáo buộc phía Nga đã vi phạm trong nhiều năm, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Washington và Moskva.
Tương lai nào cho New START sau khi hết hạn vào 2021? ảnh 1Tên lửa đạn đạo Bulava được bắn từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Hoàng tử Vladimir của Nga trên Biển Trắng ngày 30/10/2019. (Ảnh: EXPRESS/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào đầu năm 2021.

Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò nòng cốt đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moskva. 

Sự ràng buộc cuối cùng

Vốn được thương lượng dưới thời chính quyền Barack Obama, New START hạn chế Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân cùng nhiều điều khoản khác. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021, song thỏa thuận này bao gồm khả năng gia hạn thêm 5 năm nữa sau thời điểm đó.

Sau sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này với lời cáo buộc phía Nga đã vi phạm hiệp ước trong nhiều năm, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Washington và Moskva.

Nếu New START bị “khai tử,” đây là sẽ là lần đầu tiên trong vòng 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.

[2020 là năm có ý nghĩa “sống còn” của hiệp ước New START]

The Hill cho rằng điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cần phải nghiêm túc trong việc can dự vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga trong năm 2020.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố ông sẵn sàng giới hạn ngay lập tức New START mà không kèm theo điều kiện nào.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Putin nhận định: “Không có New START thì sẽ không còn gì trên thế giới này để kiềm chế chạy đua vũ trang.”

Về phần mình, Tổng thống Trump từng nói rằng ông muốn một thỏa thuận ở cấp độ rộng lớn hơn bao gồm cả Trung Quốc, đem lại một chiến thắng lớn hơn cho hiệp ước này chứ không chỉ dừng lại ở việc mở rộng nó.

Tuy nhiên, trong năm 2020, Tổng thống Trump cũng sẽ tập trung vào chiến dịch tái tranh cử của mình. Và mối quan hệ luôn gây tranh cãi của ông với Nga là một yếu tố mang nhiều rủi ro.

Quan điểm trái chiều

Thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại tại Thượng viện Bob Menendez bình luận: “Năm tới sẽ rất quan trọng.”

Ông này cho rằng chính quyền Tổng thống Trump cần can dự vào những gì cần thiết để khởi động quá trình gia hạn.

Đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Trump tỏ ra lạc quan về triển vọng gia hạn hiệp ước này. Phát biểu trước báo giới trong một cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở London, Tổng thống Trump khẳng định: “Tôi đã liên lạc với Tổng thống Putin và ông ấy, cũng như chúng tôi, rất muốn tìm ra một hiệp ước về loại vũ khí hạt nhân nào đó vốn sẽ có thể bao gồm cả Trung Quốc và một số nước khác.”

Tuy nhiên, Trung Quốc liên tiếp bác bỏ ý tưởng tham gia đàm phán về New START. Giới chỉ trích đã cáo buộc Chính quyền Trump lợi dụng Trung Quốc như một viên “thuốc độc” để có thể giết chết hiệp ước này.

Thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Chris Murphy bình luận với The Hill: “Việc nằng nặc đòi đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán gia hạn hiệp ước là một kiểu tung tin gây xao nhãng.”

Vị nghị sỹ này giải thích rằng điều đó chẳng khác gì cái cớ để không gia hạn hiệp ước. Trung Quốc không cần phải là tham gia hiệp ước này. Họ vẫn có một số lượng rất nhỏ đầu đạn hạt nhân so với Nga và Mỹ.

Ông Murphy cũng đặt câu hỏi làm sao Tổng thống Trump lại có thể vừa tham gia cuộc đua tái tranh cử vừa có thể đồng thời đàm phán với Nga. Ông bày tỏ quan ngại: “Thật lo lắng khi nghĩ rằng chúng ta sẽ lao vào thời kỳ hiệp ước hết hạn và một cuộc đua vũ trang mới.”

Nhấn mạnh mối quan ngại của Quốc hội Mỹ về tương lai của New START, gần đây đã có một số động thái về vấn đề này.

Ví dụ, Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) cho năm tài khóa 2020, vừa được Tổng thống Trump ký thành luật hôm 20/12/2019, quy định chính quyền phải thông báo trước cho quốc hội trong vòng 120 ngày nếu Mỹ có kế hoạch rút khỏi New START.

Trong một bức thư hôm 16/12/2019, các thượng nghị sỹ Menendez, Todd Young và Chris Van Hollen đã yêu cầu quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Joseph Maguire đánh giá việc Nga và Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào khi New START hết hạn.

Một đoạn thư  lưu ý: “Nếu New START được phép hủy bỏ và không có một thỏa thuận thay thế nào thì Mỹ sẽ tự thấy mình rơi vào tình huống mà trong đó kho vũ khí hạt nhân của Nga hoàn toàn không bị kiểm soát.”

Nghị sỹ Young và Hollen cũng đưa ra một dự luật trong đó kêu gọi gia hạn New START và yêu cầu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia phải báo cáo những hệ quả của việc cho phép hiệp ước hết hạn mà không có thỏa thuận gia hạn nào.

Nghị sỹ Young nhận định ông coi 2020 là năm “sống hay chết” đối với New START, đồng thời cho rằng Chính quyền Trump cần nhanh chóng quyết định về vấn đề này.

Theo ông Young, nếu Mỹ có cơ chế xác minh và thực thi mạnh mẽ liên quan Nga, thông tin tình báo thu thập được từ Nga sẽ giúp ích cho những nỗ lực của Washington trong việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, nếu Mỹ cho phép gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm thì điều này sẽ khiến Mỹ mất thêm thời gian theo cách được báo trước nhằm hiện đại hóa kho vũ khí vào thời điểm mà nga đang công khai tiến hành hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, các nghị sỹ diều hâu hơn tại Quốc hội Mỹ lại tỏ ra hoài nghi về việc Moskva có thể đáng tin cậy để tiếp tục tuân thủ New START sau khi nước này vi phạm INF.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch bác bỏ ý nghĩ cho rằng năm 2020 sẽ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình can dự các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga.

Ông Risch  cho rằng đây là công việc của cả một quá trình. Mọi thứ sẽ cần phải trở nên tốt đẹp hơn trước khi chúng ta khởi động bất kỳ động thái nào, chẳng hạn như việc cả hai bên tuân thủ hiệp ước. 

Tương tự, Thượng nghị sỹ Deb Fischer, Chủ tịch một tiểu ban thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện giám sát vấn đề vũ khí hạt nhân của Mỹ, cho rằng “vẫn còn quá sớm” để nói rằng 2020 sẽ là năm quan trọng đối với New START. Bà nói: “Chúng ta sẽ phải nghe nghóng tình hình,” đồng thời cho rằng Nga cần là một bên tích cực trong các hiệp ước loại này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục