UNASUR phản đối Anh thăm dò dầu khí ở Malvinas

Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) đã lên tiếng phản đối việc Anh thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp với Argentina Malvinas.
Ngày 17/3, Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) đã lên tiếng phản đối việc Anh thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp với Argentina Malvinas, mà phía Anh gọi là Falkland, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày nổ ra cuộc chiến ác liệt liên quan tới quần đảo này (tháng 4/1982).

Trong một tuyên bố chung tại Uruguay, ngoại trưởng các quốc gia Nam Mỹ khẳng định "sự hiện diện về quân sự của Anh và Bắc Ireland ở quần đảo Malvinas đi ngược lại chính sách của khu vực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền.

Các nước Nam Mỹ cũng nêu rõ "phản đối các hành động đơn phương của Anh ở khu vực tranh chấp này, trong đó có việc thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo và không tái tạo của Argentina cũng như việc tiến hành các cuộc tập trận tại đây."

Trước đó, ngày 15/3, Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman cho biết nước này sẽ áp dụng các biện pháp “hành chính, dân dự và hình sự” đối với các công ty của Anh đang thăm dò dầu khí tại Malvinas.

Chính phủ Argentina cũng kêu gọi các doanh nghiệp nước này tẩy chay hàng hóa của Anh và cấm tàu du lịch mang cờ Falkland cập cảng, khiến cho tranh cãi xung quanh quần đảo này tiếp tục “nổi sóng.”

[Argentina khẳng định chủ quyền đối với Malvinas]

Với tổng diện tích vùng biển bao quanh có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, Malvinas được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng dầu khí khổng lồ. Cách đây gần 30 năm, ngày 2/4/1982, chính quyền Argentina từng cho quân đổ bộ lên Malvinas để lấy lại quần đảo bị Anh chiếm giữ từ năm 1833, song đã thất bại sau cuộc chiến kéo dài 74 ngày.

Năm 1995, hai nước đã ký Tuyên bố chung về về hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Malvinas, song Argentina đã quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bản này vào năm 2007 do Anh đơn phương tổ chức đấu thầu thăm dò và khai thác dầu khí ở đây.

Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, phía Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục