Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các báo cáo kinh tế, ngân sách

Trong phiên họp chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia….
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các báo cáo kinh tế, ngân sách ảnh 1Thi công xây dựng cống thủy lợi Cái Bé, xã Bình An huyện Châu Thành (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ngày 13/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 49.

Nghe trình các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia

Sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tóm tắt các báo cáo về: tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày các báo cáo tóm tắt: Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và một số định hướng lớn giai đoạn 2021-2025; Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện đầu tư công năm 2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021; Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025; Thẩm tra sơ bộ việc Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

[Nhà thầu yếu kém sẽ không có “cửa” thi công dự án cao tốc Bắc-Nam]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về nội dung các báo tập trung vào một số vấn đề: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô GDP; việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2020 và điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước; vấn đề nợ công, chỉ tiêu trần nợ công, bội chi ngân sách nhà nước năm 2020-2021, vấn đề giảm bội chi, nợ công cho giai đoạn tới; về ưu tiên chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số miền núi; tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; danh mục dự kiến phân bổ vốn đầu tư công năm 2021…

Trong phiên họp chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia…

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua về: việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động năm 2020 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và cho rằng nội dung báo cáo khá sâu, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao.

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn do đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng rất nặng nề đến nước ta. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Chính phủ mức tăng trưởng khoảng 2-2,5%.

Trên cơ sở nhận định về những tháng cuối năm 2020 còn nhiều khó khăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần thực hiện tốt các giải pháp và giải quyết hiệu quả các tồn tại cũ, tháo gỡ các khó khăn mới cho doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ miễn giảm, giãn thuế đã được Quốc hội cho phép, tăng cường quản lý thu chi, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết và tập trung chi hiệu quả. 

Về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ và cho rằng, Chính phủ cần đánh giá thận trọng hơn tình hình tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế như: khả năng kịch bản chưa có vacine; dịch bệnh chưa thể kiềm chế; khả năng phục hồi của các doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thể trở lại hoạt động bình thường; những thách thức nảy sinh do thiên tai, biến đổi khí hậu; an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; việc tham gia một số FTA có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các báo cáo kinh tế, ngân sách ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 6% của năm 2021 đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu rất cao; đồng thời, yêu cầu Chính phủ: Giải trình với Quốc hội về điều chỉnh GDP theo phương pháp tính mới; vấn đề giải ngân đầu tư công, chuyển nguồn; xử lý tích cực các công trình còn dở dang đảm bảo đúng tinh thần của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước; xử lý những tồn tại cũ, giải quyết nợ xấu ngân hàng; về giáo dục, y tế; nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19; về lao động, việc làm…

Thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ và cho rằng, các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, sâu sắc, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội; đã bảo đảm đánh giá được các thành tựu, kết quả, tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời ghi nhận, mặc dù đây là giai đoạn đầu tiên thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, không thể tránh khỏi những vướng mắc, tồn tại nhưng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đạt được kết quả tốt, đã bám sát tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành; vấn đề quản trị, cải cách thủ tục hành chính; về kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch tài chính 3 năm, 5 năm và đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Chính phủ về mục tiêu tổng quát; 15 mục tiêu cụ thể; 04 cân đối lớn và các giải pháp, nhiệm vụ đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn về các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% của năm 2021; đồng thời, rà soát một số chỉ tiêu như GDP bình quân đầu người; tỷ trọng giữa công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; vấn đề lao động trong nông nghiệp.

Ngoài ra, về kế hoạch tài chính 5 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, phân tích kỹ lưỡng, thận trọng trong việc xác định số bội chi.

Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết 24 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cố gắng của Chính phủ và hoàn thành 15 mục tiêu trong tổng số 22 mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là có 5 mục tiêu quan trọng liên quan đến nợ công, lao động trong nông nghiệp, năng suất các nhân tố tổng hợp và các khoản nợ của Chính phủ.

Đồng thời lưu ý chất lượng cơ cấu lại nền kinh tế chưa vững chắc; khả năng độc lập tự chủ trong một số lĩnh vực còn phụ thuộc nước ngoài về nguyên liệu, công nghệ, thị trường; việc thực hiện quy hoạch chưa tốt; việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực hạn chế trong sử dụng tài sản công, tài chính công cũng như huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để tham gia vào sự phát triển của đất nước.

Đánh giá thực hiện Nghị quyết 100 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá trong 5 năm qua Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vượt các mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý chất lượng, hiệu quả của các chương trình chưa thật sự cao; vấn đề tổ chức thực hiện, phối hợp chưa chặt chẽ; kỷ luật tài chính, thất thoát, lãng phí còn diễn ra ở một số địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức các báo cáo, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Ngày mai 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc tại Nhà Quốc hội theo Chương trình phiên họp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục