Nhà thầu yếu kém sẽ không có “cửa” thi công dự án cao tốc Bắc-Nam

Ngay từ quá trình đấu thầu, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất để làm dự án cao tốc Bắc-Nam, đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2021.
Nhà thầu yếu kém sẽ không có “cửa” thi công dự án cao tốc Bắc-Nam ảnh 1Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với việc khởi công cả 6 dự án đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam theo hình thức đầu tư công, hàng loạt nhà thầu tên tuổi có năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công đã trúng một số gói thầu.

Ngay từ quá trình đấu thầu, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất để làm dự án cao tốc Bắc-Nam đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2021.

“Bản lý lịch” về tài chính và kinh nghiệm

Số lượng hơn 50 nhà thầu và liên danh nhà thầu tham gia đấu thầu thi công ba dự án cao tốc Bắc-Nam vốn đầu tư công gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây đã cho thấy sức hút rất lớn của dự án này sau khi Bộ Giao thông Vận tải hủy đấu thầu quốc tế để dành “sân chơi” cho các nhà thầu nội.

Đây là những doanh nghiệp mạnh, có nhiều năng lực, kinh nghiệm thi công các dự án đường cao tốc, cầu lớn đòi hỏi kỹ yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ tại Việt Nam như liên danh Tổng công cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX)-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và xây dựng Trung Chính trúng gói thầu dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây; liên danh Tổng công ty Thăng Long-Công ty cổ phần Đạt Phương-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Tự Lập trúng gói thầu cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết; liên danh Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi-Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Định An trúng một gói cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45.

[Có 153 nhà thầu mua hồ sơ 3 dự án vốn đầu tư công cao tốc Bắc-Nam]

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), rút kinh nghiệm các dự án trước đây và 3 dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã triển khai, Bộ Giao thông Vận tải quy định nhiều điều kiện trong hồ sơ mời thầu.

“Trong hồ sơ mời thầu có các điều kiện thưởng phạt giữa các bên. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến độ thi công hàng tháng, quý, năm để đảm bảo tiến độ và phê duyệt kế hoạch đó để kiểm soát. Nếu nhà thầu vi phạm tiến độ lần 1 sẽ phê bình, lần 2 khiển trách xem xét điều chuyển khối lượng và lần 3 sẽ đánh giá lại năng lực nhà thầu và điều chuyển khối lượng thi công cho nhà thầu khác,” ông Lâm cho biết.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng hợp đồng của Bộ Giao thông vận tải đã khống chế số lượng thầu chính, thầu phụ, phân rõ hạng mục thầu chính, thầu phụ được làm theo tỷ lệ nhất định nhằm chọn được nhà thầu có năng lực thực sự, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Nhà thầu phải đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm

Là đơn vị trúng một gói thầu Phan Thiết-Dầu Giây, ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc Tổng công cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) cho hay qua thời gian đấu thầu vừa qua, các đơn không đủ năng lực theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu khó có thể tham gia đấu thầu trực tiếp vào dự án cao tốc Bắc-Nam mà phải là những nhà thầu thực sự có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm.

“Khi Bộ Giao thông Vận tải đấu thầu cao tốc, VINACONEX đã chủ động mời và chọn thành viên liên danh có tên tuổi như Trung Chính để thống nhất cùng đấu thầu. Nếu trúng thầu, 2 liên danh phải làm thật với năng lực của nhà thầu. Thậm chí, với vai trò đứng đầu liên danh Tổng công ty sẵn sàng hỗ trợ các thành viên trong liên danh để đảm bảo toàn hệ thống liên danh mạnh thực sự ,” ông Mậu khẳng định và cho biết thêm tình hình tài chính của VINACONEX rất lành mạnh bởi đến ngày 30/9 số dư tiền mặt tại báo cáo tài chính khoảng 2.500 tỷ đồng.

Nhà thầu yếu kém sẽ không có “cửa” thi công dự án cao tốc Bắc-Nam ảnh 2Cao tốc Bắc-Nam thu hút được nhiều nhà thầu tham gia đấu thầu. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bác bỏ ý kiến nhà thầu dùng hợp đồng thực hiện tại dự án cao tốc Láng-Hoà Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), công trình đã thông xe từ năm 2010 và lấy đó làm kinh nghiệm thực hiện các công trình tương tự khi dự thầu tại dự án Phan Thiết-Dầu Giây, ông Mậu quả quyết Đại lộ Thăng Long là dự án có quy mô rất lớn, bao gồm rất nhiều hạng, Vinaconex có một hợp đồng tổng thầu có giá trị khoảng 6.120 tỷ đồng. Theo yêu cầu của thành phố Hà Nội, dự án tổ chức thông xe 2 đường dải cao tốc và đường gom (29,3km) vào năm cuối 2010 để chào mừng sự kiện 1000 năm thăng long và đặt tên tuyến đường. Đến thời điểm đó, tổng giá trị sản lượng thực hiện của nhà thầu chỉ đạt khoảng 3.346 tỷ đồng.

Sau khi công trình thông xe, nhà thầu tiếp tục phải triển khai rất nhiều hạng mục còn lại đến 30/6/2016 mới hoàn thành công tác thi công theo đúng tiến độ yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải và hợp đồng (phụ lục hợp đồng) đã ký kết giữa nhà thầu và đại diện chủ đầu tư.

“Hồ sơ mời thầu yêu cầu phải có hợp đồng tương tự hoàn thành từ 1.1.2015 trở lại để đấu thầu cao tốc Bắc-Nam. Hồ sơ tham dự thầu của liên danh Vinaconex - Trung chính đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu,” ông Mậu thông tin thêm.

[Bộ GT-VT: Sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất làm cao tốc Bắc-Nam]

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, cho biết trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu để củng cố thêm cơ sở đánh giá kinh nghiệm của nhà thầu, Ban đã có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Cục Quản lý đấu thầu cũng nêu rõ nếu việc gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng được cấp có thẩm quyền chấp thuận, hai bên đã tiến hành ký phụ lục hợp đồng, trong đó có quy định thời điểm gia hạn thực hiện hợp đồng vào ngày 30/6/2016 và thực tế nhà thầu hoàn thành hợp đồng vào thời điểm đó thì hợp đồng thi công công trình của nhà thầu được xem xét, đánh giá.

Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu, sau khi rà soát quá trình thực hiện hợp đồng dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc, tổ chuyên gia đấu thầu của Ban quản lý dự án Thăng Long đã thống nhất đánh giá hợp đồng thi công công trình dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc của nhà thầu dự thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu của các gói thầu thuộc dự án Phan Thiết-Dầu Giây.

“Quá trình tuyển chọn nhà thầu tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Ban đã nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của các cơ quan chức năng như Cục C03-Bộ Công An, sự giám sát chéo của chính các nhà thầu tham gia tham gia đấu thầu và gần đây cơ quan Kiểm toán Nhà Nước cũng đã làm việc với Ban để xây dựng kế hoạch kiểm toán dự án ngay từ khi triển khai dự án. Đây là điều rất thuận lợi để giúp quá trình đấu thầu diễn ra công bằng, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật,” ông Roãn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục