Vai trò của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Để giữ đóng vai trò cầu nối và trung tâm, ASEAN cần thiết lập hệ thống kết nối lấy ASEAN làm trung tâm, trên cơ sở kết nối 3 khu vực châu Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Vai trò của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: Shutter)

Theo báo Liên hợp buổi sáng (Singapore), Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khái niệm khu vực mới, ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Trong quá trình tranh chấp quốc tế xoay quanh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng nóng lên, ASEAN nằm ở vị trí trung tâm khu vực của định nghĩa mới này đóng vai trò như thế nào lại rất ít được thảo luận.

Mặc dù văn kiện "Triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN" được ASEAN công bố năm 2019 đã thể hiện một số phản hồi bước đầu của ASEAN đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng đây không phải là một văn kiện chiến lược.

Nói cách khác, nhận thức chung về tư duy chiến lược của ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn đang trong quá trình hình thành và phát triển.

Logic đặc biệt của ASEAN đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Đầu tiên, đối với ASEAN, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là một khái niệm địa chính trị khu vực rộng lớn, mà là sự chồng ghép của ba khu vực.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà chiến lược của Mỹ thường sử dụng khái niệm "lục địa Á-Âu" để đánh giá chiến lược quốc tế.

Lục địa Á-Âu rộng lớn là một bàn cờ chính trị của các cường quốc, vai trò của nhiều nước nhỏ và vừa dường như bị xem nhẹ.

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được hình thành từ Thái Bình Dương rộng lớn và Ấn Độ Dương, nếu lý giải dưới góc nhìn bàn cờ địa chính trị của các cường quốc, trên thực tế nó giống khái niệm Á-Âu phiên bản hàng hải.

[Hướng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Chính sách mới của nước Anh?]

Trong khi đó, các nước ASEAN nằm ở vị trí trung tâm và là cửa ngõ quan trọng của hai đại dương.

Dưới góc nhìn của ASEAN, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được lý giải là sự chồng ghép của ba khu vực châu Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Thứ hai, việc lý giải khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo kiểu phi địa chính trị nói trên xuất phát từ mối lo ngại của ASEAN về không gian tự chủ chiến lược của khối có thể bị thu hẹp do cạnh tranh địa chính trị và chiến lược giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng.

Cùng với tương quan lực lượng giữa các nước lớn ở khu vực thay đổi nhanh chóng, lợi ích chiến lược quan trọng nhất của ASEAN chính là không để quá trình tái cấu trúc quan hệ của các nước lớn ảnh hưởng đến nội bộ các nước hoặc nội khối ASEAN.

Không can thiệp vào công việc nội bộ và không chọn bên là trọng tâm chiến lược của ASEAN.

Trong văn kiện "Triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN" do ASEAN công bố, có thể thấy rõ sự quan ngại đối với việc không tin tưởng lẫn nhau, hiểu lầm và tư duy trò chơi có tổng bằng 0 giữa các nước lớn đang ngày càng sâu sắc.

Thứ ba, ASEAN cũng có sự lý giải riêng độc đáo đối với tính bền vững và sức sống của khái niệm khu vực mới. Liệu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cuối cùng có thể trở thành một khái niệm hợp tác khu vực thực sự có hiệu quả hay không vẫn cần thực tiễn kiểm nghiệm.

Mặc dù khái niệm châu Á-Thái Bình Dương trước đó rất nóng, nhưng ngoài Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), có bao nhiêu cơ chế khu vực thực sự được đưa vào cấu trúc châu Á-Thái Bình Dương?

Xây dựng khu vực chỉ dựa vào sự nhiệt tình nhất thời là điều không thể thực hiện. Trong suốt chiều dài lịch sử đã có quá nhiều bài học thất bại như vậy, và Đông Bắc Á, khu vực biển xung quanh Nhật Bản… đều không thể phát triển là những ví dụ điển hình.

Nguyên tắc "hạt nhân" của ASEAN

Sự dày công xây dựng và vận hành trong mấy thập kỷ của ASEAN không chỉ nhằm đảm bảo không xảy ra xung đột giữa các nước thành viên, mà còn thiết lập được một loạt cơ chế và thỏa thuận hợp tác khu vực với sự tham gia của các nước lớn ngoài khu vực do ASEAN dẫn dắt. Có thể nói mô hình chủ nghĩa khu vực nước nhỏ thúc đẩy nước lớn như thế này là độc nhất vô nhị trong nền chính trị quốc tế.

Tại sao ASEAN có thể làm được những điều này? Lý do căn bản nhất là ASEAN nắm chắc quyền tự chủ chiến lược, đồng thời kiên trì nguyên tắc "hạt nhân ASEAN" trong chủ nghĩa đa phương khu vực. Kinh nghiệm thành công này sẽ là cơ sở để ASEAN định nghĩa lợi ích chiến lược cốt lõi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới.

Đầu tiên, tự chủ chiến lược khu vực là xuất phát điểm của việc xây dựng và phát triển ASEAN, và điều này cũng sẽ được tiếp tục duy trì trong tư duy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hiện nay, các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xuất hiện trạng thái căng thẳng quan hệ, do đó chỉ có kiên trì tự chủ chiến lược và duy trì nguyên tắc "hạt nhân ASEAN" thì ASEAN mới có thể khắc phục vượt qua thách thức như những thập kỷ qua.

Thứ hai, xét từ phương diện xây dựng cơ chế, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN nên phù hợp với hai nguyên tắc nói trên, chứ không phải xây dựng cơ chế hoặc thỏa thuận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới.

Sự tự chủ về chiến lược đòi hỏi ASEAN liên tục nâng cao lực gắn kết của mình, đây cũng là lý do tại sao ASEAN đề xuất xây dựng ba trụ cột là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC).

Đối với ASEAN, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần phải phục vụ mục tiêu xây dựng ba cộng đồng này.

Nguyên tắc "hạt nhân ASEAN" đồng nghĩa với việc lấy các cơ chế và thỏa thuận hiện có do ASEAN dẫn dắt làm hạt nhân trong hợp tác chủ nghĩa đa phương khu vực lớn hơn.

Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải có lợi cho việc phát triển sâu cơ chế chủ nghĩa đa phương khu vực lớn hơn do ASEAN dẫn dắt, cũng như cung cấp động đổi mới, chứ không phải sử dụng khung hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình mới để thay thế.

Trước đây, APEC cũng là một thỏa thuận hợp tác kinh tế phi chính thức, đồng thời chưa phát triển thành một khung hợp tác toàn diện bao gồm chính trị và an ninh.

Thứ ba, xét về nền tảng tư tưởng, tư duy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN phải là phi liên minh quân sự hóa, phi ý thức hệ hóa và có tính bao trùm. Xét từ góc độ hợp tác khu vực của bản thân ASEAN và do ASEAN chủ đạo, việc cùng tồn tại hòa hợp giữa các nước có chế độ chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau là một xu hướng cơ bản xuyên suốt.

Nếu khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được tô đậm màu sắc ý thức hệ, hoặc sử dụng quan điểm giá trị để chia thành các nhóm nhỏ khác nhau trong nội khối, hoặc lấy liên minh quân sự làm nền tảng, thì sẽ xung đột với khái niệm đoàn kết và bao dung trong đa dạng do ASEAN khởi xướng.

Tóm lại, để giữ đóng vai trò cầu nối và trung tâm, ASEAN cần thiết lập hệ thống kết nối lấy ASEAN làm trung tâm, trên cơ sở kết nối 3 khu vực châu Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Xét về ý nghĩa này, ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối đường bộ, đường biển và đường không, cũng như trao đổi nhân sự và hoạt động kinh tế của khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục