Vai trò của Hàn Quốc trong vụ 'giao kèo' Nga-Triều

Sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều, Seoul cần nghĩ cách làm thế nào có thể thuyết phục Bình Nhưỡng nhượng bộ trước khi tuyên bố về nhu cầu tổ chức sớm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4.
Vai trò của Hàn Quốc trong vụ 'giao kèo' Nga-Triều ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại Trường Đại học Liên bang Viễn Đông ở đảo Rusky thuộc Vladivostok ngày 25/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/4 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền từ cuối năm 2011, trong khi ông này đã 4 lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 3 lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và 2 lần gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Câu hỏi đặt ra là Kim Jong-un muốn gì và Nga được gì từ cuộc gặp thượng đỉnh này?

Antoin Bondaz, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Đài RFI phân tích: "Về phần Kim Jong-un, mục tiêu chính là tiếp tục theo đuổi tiến trình bình thường hóa ngoại giao đã được khởi động từ năm 2018, thể hiện rõ qua một chuỗi các cuộc gặp thượng đỉnh như với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thứ hai, cuộc gặp này cho phép gửi đi một thông điệp đến ông Donald Trump là Kim Jong-un có dư thời gian để chờ đợi bởi lãnh đạo Triều Tiên còn có nhiều người muốn đối thoại khác.

Điểm thứ ba, Kim Jong-un tìm cách giảm nhẹ tác động các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào chế độ chủ yếu qua việc "đa dạng hóa" đối tác.

Nước Nga, không tính đến cuộc gặp thượng đỉnh này, vẫn là tác nhân đứng hàng thứ hai trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên."

Trước đây, Moskva từng có một vai trò quan trọng trong những năm 2000 khi cũng là một bên tham gia trong các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Đến thời điểm hiện tại, các cuộc thương thuyết chủ yếu được thực hiện song phương giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Do vậy, chuyên gia Antoin Bondaz cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều lần này có thể không gây ảnh hưởng nhiều.

[Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều: Hai bên không ra tuyên bố chung]

Tuy nhiên, đối với ông Putin, mục tiêu của cuộc thượng đỉnh với ông Kim Jong-un lần này là muốn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế rằng nước Nga là một tác nhân không thể thiếu trong nhiều hồ sơ quốc tế như Syria hay Triều Tiên, đồng thời qua đó khẳng định lại rằng Moskva cũng là một cường quốc châu Á để thúc đẩy việc phát triển vùng Viễn Đông của Nga.

Theo Đài Spunik, tuyên bố của Tổng thống Nga rằng Seoul “thiếu chủ quyền trong việc đưa ra các quyết định cuối cùng” đối với các dự án hợp tác kinh tế ba bên với Nga và Triều Tiên không nhận được tiếng vang ở Hàn Quốc.

Hầu hết các phương tiện truyền thông đều phớt lờ tuyên bố này và tập trung vào luận điểm cho rằng Kim Jong-un đang tìm cách hồi sinh liên minh quân sự với Moskva và muốn thông qua Putin để lôi kéo Seoul vào ý định độc hại của mình nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, câu nói trên mô tả khá chính xác những vấn đề mà giới lãnh đạo Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt.

Nói về kết quả thảo luận với Kim Jong-un về các dự án cơ sở hạ tầng chung, ông Putin trong cuộc họp báo tổng kết cho biết “tất cả mọi thứ đều có thể,” từ liên kết đường sắt trực tiếp giữa hai miền Triều Tiên với Nga, đặt tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt, xây dựng tuyến đường truyền tải điện.

Hơn nữa, nếu những dự án này được thực hiện thì “sẽ tạo ra các những điều kiện nhằm nâng cao sự tin tưởng vốn rất cần thiết để giải quyết các vấn đề vĩ mô.”

Tuy nhiên, việc thực hiện những dự định này dường như bị cản trở bởi “một số loại nghĩa vụ đồng minh của Hàn Quốc trước Mỹ.” “Đáng tiếc, thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt là như vậy,” đại biểu đảng Dân chủ đồng hành, ông Song Young-gil bình luận một tuyên bố của Tổng thống Nga với Sputnik.

Ông nói: “Thật đáng tiếc khi không một phương tiện truyền thông nào của Hàn Quốc đề cập đến cụm từ 'thiếu chủ quyền', ngay cả sau khi có thông cáo chính thức của điện Kremlin.”

Theo nghị sỹ Song đồng thời là Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về hòa bình và hợp tác ở Đông Bắc Á, ông rất đau lòng khi nghe thấy đánh giá như vậy của ông Putin, đặc biệt là khi Seoul liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối đường sắt trên bán đảo Triều Tiên.

Nhưng đây cũng là một tín hiệu cho chính phủ Hàn Quốc thấy rằng, trước khi tuyên bố về nhu cầu tổ chức càng sớm càng tốt Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4, Seoul cần nghĩ cách làm thế nào có thể thuyết phục Bình Nhưỡng nhượng bộ.

"Tuyên bố Panmunjom" đến nay đã được một năm. Bình Nhưỡng hiểu lập trường của Seoul rằng nhiều nội dung của tuyên bố không được thực thi vì các lệnh trừng phạt kinh tế.

Và chúng ta cần tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Nhưng họ không bằng lòng vì chúng ta quá thụ động và không làm những gì chúng ta có thể làm ngoài các biện pháp trừng phạt.

Ví dụ, các doanh nhân của chúng tôi, những người làm việc trong khu công nghiệp Kaesong, thậm chí không yêu cầu nối lại hoạt động của nó mà chỉ muốn xem tình trạng nhà xưởng ra sao, liệu các thiết bị trong nhà máy của họ có bị rỉ sét không.

Nhưng Bộ Thống nhất đất nước của chúng tôi không cho phép họ thực hiện ngay cả một chuyến đi như vậy. Họ nói rằng họ không thể giải quyết vì Mỹ phản đối điều này. Nhưng chẳng lẽ Mỹ có quyền phản đối ngay cả về vấn đề này? Tại một quốc gia có chủ quyền?

Tại sao chúng ta, giống như những kẻ ngốc, phải trao chủ quyền của mình cho nhóm làm việc (Mỹ và Hàn Quốc) ngay cả về các vấn đề như vậy?

Chúng ta định tuân theo yêu cầu của Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên, ông Stephen Bigan cho nhóm làm việc cơ hội để quyết định những gì có thể và những gì không thể hay sao? Và đây là lập trường của Bộ thống nhất trong một quốc gia có chủ quyền?”- ông Song đặt câu hỏi.

Theo chính trị gia này, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều ở Vladivostok cho thấy, Bình Nhưỡng trước hết muốn tranh thủ sự hỗ trợ của Nga về mặt cung cấp bảo đảm an ninh.

Tuy nhiên, ông Song Young-gil cảnh báo rằng không nên hiểu một cách quá rộng về khả năng xích lại gần nhau giữa Moskva và Bình Nhưỡng trong lĩnh vực quân sự.

Ông Song Young-gil nói tiếp: “Nga không có khả năng giải quyết vấn đề Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu rõ rằng vấn đề bảo đảm an ninh hoặc phát triển kinh tế của Triều Tiên sẽ khó giải quyết nếu không có sự đồng ý của Mỹ.

Do đó, không có gì thay đổi với thực tế rằng mục tiêu số một của Bình Nhưỡng là cải thiện quan hệ với Washington: Điều này cần thiết để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và phát triển nền kinh tế. Nhưng sau thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội, trong mọi trường hợp, Triều Tiên phải chuẩn bị cho cuộc đối đầu lâu dài và cái gọi là sự kiên nhẫn chiến lược.

Để kéo dài thời gian này, họ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga,” nghị sỹ Song phát biểu trên chương trình của Đài phát thanh CBS địa phương ngay sau cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Sputnik.

Hơn nữa, nếu trước đó Triều Tiên phản đối việc nối lại đàm phán sáu bên thì giờ đây Bình Nhưỡng tính đến lập trường của Trung Quốc và Nga ủng hộ dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt để đổi lại các bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng có thể muốn quay trở lại định dạng đàm phán đa phương.

Tất nhiên, giờ đây Washington và Seoul có vẻ nghi ngờ về giải pháp này vì họ vẫn đang đặt con át chủ bài vào những thỏa thuận mang tính nguyên tắc giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên.

Nhưng theo nhận định của nghị sĩ Song, nếu nhìn vào mức độ tin cậy thấp như ở mức hiện nay, việc thỏa thuận một lộ trình đưa tới giải trừ hạt nhân đầy đủ và triệt để là điều sẽ rất khó khăn để đạt được.

Ông Song Young-gil kết luận: “Nga và Trung Quốc đã đồng ý về việc đóng băng kép, thúc đẩy song song và các hệ thống bảo đảm an ninh tập thể như là 3 nguyên tắc chính của chính sách đối với Triều Tiên và cả hai ông Tập Cận Bình và Putin luôn tuân thủ những nguyên tắc này".

Đóng băng kép, bao gồm giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự chung của Hàn Quốc và Mỹ, cũng như việc Triều Tiên thôi không thực hiện các vụ khiêu khích tên lửa mới và các vụ thử hạt nhân - những bước đi này đã được thực hiện.

Giai đoạn tiếp theo sẽ phải là “xúc tiến song song” nghĩa là phải có các bước đồng thời về phi hạt nhân hóa và tạo ra một chế độ hòa bình dựa trên hiệp ước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục