Vàng vẫn "phản ứng chậm"

Vàng trong nước vẫn "phản ứng chậm" với giá thế giới

Dù giá vàng thế giới giảm mạnh, nhưng thị trường trong nước vẫn diễn biến theo hướng giảm thì chậm nhưng khi tăng lại rất nhanh.
Ngày 26/4, trước kỳ nghỉ dài, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán 26.000 tấn vàng với mức giá sàn 42,9 triệu đồng, thấp hơn 100.000 đồng mỗi lượng so với niêm yết bán SJC trên thị trường ở cùng thời điểm.

Tại phiên đấu thầu này, có 17 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia, tuy nhiên, chỉ có 13 đơn vị bỏ thầu và kết thúc phiên chỉ có 5 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng 25.700 tấn vàng. Giá trúng thầu thấp nhất là 42,92 triệu đồng, cao nhất là 42,95 triệu đồng, đơn vị mua nhiều nhất là 10.000 lượng và ít nhất là 3.000 lượng.

Theo lý giải của đại diện một công ty vàng ở Hà Nội, ngày mai thị trường trong nước bước vào kỳ nghỉ lễ dài, lượng giao dịch được dự báo sẽ khá chậm, khiến doanh nghiệp ngại mua vàng, nhất là khi giá không mấy hấp dẫn.

Như vậy, tính từ lần đấu thầu đầu tiên hôm 28/3 đến nay, thị trường đã trải qua 12 phiên, với tổng cộng 13,1 tấn vàng được bán ra.

Đối với thị trường vàng trong nước, đầu giờ sáng nay thương hiệu SJC đồng loạt niêm yết mức chiều mua vào là 42,70 triệu đồng và bán ra ở mức 43,00 triệu đồng mỗi lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Hiện chênh lệch giá trong và ngoài nước ở mức 5,6 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với thời điểm diễn ra phiên đấu thầu vàng đầu tiên (28/3).

Một chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến cho giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn là do giá sàn của Ngân hàng Nhà nước đưa ra thường cao hơn hoặc bằng giá thị trường. Đại diện của Công ty vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội cho rằng, nếu không thay đổi về cách đặt giá sàn chắc chắn giá vàng trong nước vẫn vênh cao so với giá thế giới và người dân vẫn phải mua giá vàng cao so với thực tế.

Giải thích về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, với mức giá sàn khi Ngân hàng Nhà nước phát ra, khối lượng đặt thầu cao hơn rất nhiều số lượng chào thầu, cho thấy thị trường đã chấp nhận giá thầu đó. Ngân hàng Nhà nước chỉ giảm giá thầu khi chào một tấn với giá đó mà thị trường không chấp nhận, người mua chỉ đặt 2.000 lượng hoặc một nửa tấn thì lúc đó mới phải điều chỉnh cách tính giá sàn.

"Nhưng thực tế lượng đặt thầu vẫn lớn hơn, thì đương nhiên không thể nói là đặt giá quá cao được. Ngân hàng Nhà nước đã nói là không bao cấp giá, không bù lỗ mà thị trường không những chấp nhận mà còn nhiệt tình chấp nhận," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Cũng theo vị lãnh đạo này, sau 12 phiên đấu thầu với hơn 13 tấn vàng được cung ứng ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã bình ổn được thị trường, không có đầu cơ, không sốt giá. "Trong đợt biến động giá thế giới vừa qua, nếu không có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước thì đương nhiên thị trường sẽ bị hỗn loạn," vị đại diện này nói thêm.

Tuy nhiên, chính lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trong những ngày qua, dù giá thế giới giảm mạnh nhưng thị trường trong nước biến động theo hướng giảm chậm, trong khi đó tăng thì lại rất nhanh. "Cũng có thể do đơn vị đang cầm vàng không muốn bán, còn người mua thì lại muốn mua ngay, nên khoảng cách giá đương nhiên bị giãn ra," vị đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục