Vì sao mâu thuẫn giữa Trung Quốc với EU dần tăng nhiệt?

Khi các bên đang tập trung chú ý tới chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mâu thuẫn thương mại giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) cũng dần tăng nhiệt.
Vì sao mâu thuẫn giữa Trung Quốc với EU dần tăng nhiệt? ảnh 1(Nguồn: China Daily)

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang, chỉ cần Liên minh châu Âu (EU) giữ im lặng thì đó đã là một thắng lợi đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, mong muốn như vậy cũng chỉ là đơn phương.

Tình hình chính trị kinh tế thế giới có thể đang manh nha thay đổi lớn. Khi các bên đang tập trung chú ý tới chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mâu thuẫn thương mại giữa Trung Quốc và EU cũng dần tăng nhiệt.

Mỹ và EU có tổng số dân là 830 triệu người, chiếm hơn 50% GDP, hơn 50% giá trị trao đổi thương mại toàn cầu hằng năm. Cho nên, nếu phải đối mặt đồng thời với cả hai nền kinh tế lớn thế giới này, Trung Quốc e rằng sẽ đứng trước thách thức nghiêm trọng.

Lo lắng này rõ ràng đang trở thành hiện thực khi mà các nước EU gần đây nhận định quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc không công bằng và đã nỗ lực tìm biện pháp xử lý. Điển hình nhất là việc ngày 18/9 vừa qua, Ủy ban châu Âu đưa ra phương án cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Ủy ban châu Âu, mục đích của phương án là nhằm bảo đảm cạnh tranh công bằng. Phương án bao gồm một số kiến nghị, trong đó có việc áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các nước tiến hành trợ cấp phát triển những ngành nghề đặc thù. Tuy phương án không “điểm mặt chỉ tên” Trung Quốc, nhưng dư luận cơ bản cho rằng phương án đã nhằm thẳng vào Trung Quốc, nhất là chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025."

Cùng với đó, trong bối cảnh lo ngại tình trạng đánh cắp bản quyền tri thức, các nước châu Âu cũng rầm rộ ngăn chặn Trung Quốc mua doanh nghiệp của nước mình.

[Chiến tranh thương mại có ngăn cản hành trình trỗi dậy của Trung Quốc]

Gần đây nhất, hãng tin Reuters của Anh dẫn nguồn thạo tin từ Berlin (Đức) cho biết chính phủ Đức đang xem xét việc thành lập một quỹ giúp đỡ các doanh nghiệp khoa học công nghệ gặp khó khăn về tài chính nhằm tránh bị Trung Quốc lợi dụng thời cơ để thâu tóm để giành lấy công nghệ, kĩ thuật mới của Đức.

Theo nguồn tin, sau khi tập đoàn Midea của Trung Quốc bất ngờ thâu tóm hãng chế tạo người máy KUKA vào năm ngoái và Li Khufu - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn ôtô Geely - mua được 9,7% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của hãng Daimler sở hữu thương hiệu xe sang Mercedes-Benz vào đầu năm nay, chính phủ Đức đã thực sự bị sốc và lên kế hoạch hành động.

Ngoài lĩnh vực thương mại và công nghệ, châu Âu cũng hoài nghi về mặt chiến lược đối với Trung Quốc. Theo tờ Economic Journal, sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng bị nghi ngờ là nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở châu Âu, đặc biệt là đối với khu vực Đông Âu, từ đó làm lung lay sự ổn định về kinh tế và chính trị của châu Âu. Sự hoài nghi không còn giới hạn trong phạm vi dư luận.

Ngày 12/9 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua Báo cáo Quan hệ EU-Trung Quốc, chỉ rõ Trung Quốc đang lợi dụng BRI làm thủ đoạn ngoại giao để tăng cường ảnh hưởng chính trị ở châu Âu. Đây là một động thái hiếm thấy.

Sau đó một tuần, Ủy ban châu Âu đưa ra chương trình chính sách ngoại giao phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, năng lượng và thông tin kỹ thuật số.

Nguồn vốn thực hiện kế hoạch này chủ yếu đến từ khu vực tư nhân, dự kiến trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2027, thu hút lượng vốn đầu tư lên tới 300 tỷ euro. Mặc dù các quan chức châu Âu phủ nhận việc đưa ra kế hoạch cạnh tranh với BRI, nhưng dư luận cho rằng ý nghĩa đối chọi với Trung Quốc khá rõ ràng.

Từ hàng loạt sự kiện nêu trên có thể thấy một thực tế là song song với việc Mỹ kêu gọi trừng phạt Trung Quốc, sự cảnh giác và lo lắng của châu Âu với Trung Quốc đã trỗi dậy. Hệ quả có thể là khả năng Mỹ và châu Âu sẽ đứng trên cùng trận tuyến trong một số vấn đề cá biệt, "chĩa nòng súng" về phía Trung Quốc. Đây là kịch bản mà Trung Quốc không bao giờ mong muốn nhìn thấy vì nó sẽ gây ra ngở ngại lớn hơn cho Trung Quốc trên con đường phát triển.

Vì thế, theo VOA, trong các cuộc gặp ở Brussels, Berlin và Bắc Kinh, các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có phó Thủ tướng Lưu Hạc và nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị, đã đề xuất thành lập liên minh Trung Quốc-EU, đồng thời đề nghị sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc nhiều hơn nữa như là một cử chỉ thiện chí.

Một trong số các đề xuất là Trung Quốc và EU sẽ có hành động chung đối chọi lại với Mỹ tại WTO. Tuy nhiên, thực tế diễn ra tới nay dường như không đi theo mong muốn của Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục