Vì sao nhiều ngân hàng đầu tư châu Âu 'lặng lẽ' rút khỏi Mỹ?

Sự cắt giảm này cho thấy một sự thụt lùi mạnh mẽ so với hai thập kỷ trước, khi các ngân hàng châu Âu tiến hành một làn sóng mua lại ở Mỹ để giành lấy một phần của thị trường ngân hàng.
Vì sao nhiều ngân hàng đầu tư châu Âu 'lặng lẽ' rút khỏi Mỹ? ảnh 1Trụ sở HSBC tại London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Financial Times của Anh ngày 2/3 cho rằng dù đã chi hàng tỷ USD vào Mỹ, nhưng nhiều ngân hàng châu Âu đã phải lặng lẽ rút lui khỏi thị trường này.

Những nỗ lực cải tổ không mang lại kết quả tốt

Tháng trước, khi Giám đốc điều hành tạm thời của HSBC Noel Quinn tuyên bố một cuộc cải tổ mạnh mẽ nhằm khôi phục tài sản của ngân hàng này, ông đã nhắm vào cái mà hiện nay đã trở thành mục tiêu quen thuộc đối với các ông chủ ngân hàng châu Âu-thị trường Mỹ.

HSBC, mới chỉ năm ngoái vẫn nói về việc bổ sung thêm 50 chi nhánh bán lẻ vào mạng lưới hùng mạnh 220 chi nhánh của mình ở Mỹ, hiện đang đóng cửa 30% số chi nhánh sau khi thừa nhận bộ phận này đang thua lỗ.

Mảng thương mại của ngân hàng này tại Mỹ cũng đang trong tình trạng bị đe dọa.

Đánh giá theo rủi ro, ông Quinn đã cắt giảm 45% giá trị tài sản của bộ phận này, mức giảm lớn hơn so với hoạt động kinh doanh của HSBC ở tất cả các nơi khác, sau khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ giảm hơn 20% vào năm ngoái.

[Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội hút vốn đầu tư vào ngành ngân hàng]

Thông báo của HSBC là thông báo mới nhất trong loạt những ngân hàng châu Âu đã rút lui lặng lẽ khỏi thị trường Mỹ.

Năm ngoái, Deutsche Bank đã từ bỏ nỗ lực để trở thành một phần của giới thượng lưu Phố Wall bằng cách đóng cửa hoạt động kinh doanh cổ phiếu toàn cầu và cắt giảm hàng ngàn việc làm.

Trong khi đó, UBS đã cắt giảm phần lớn hoạt động kinh doanh trái phiếu tại Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính, còn Credit Suisse cũng trở thành một thế lực nhỏ hơn rất nhiều tại Mỹ khi trong những năm gần đây đã thu hẹp hoạt động đầu tư và rời bỏ hoạt động ngân hàng tư nhân tại nền kinh tế lớn số một thế giới.

Sự cắt giảm này cho thấy một sự thụt lùi mạnh mẽ so với hai thập kỷ trước, khi các ngân hàng châu Âu tiến hành một làn sóng mua lại ở Mỹ để giành lấy một phần của thị trường ngân hàng và thương mại sinh lời nhất thế giới này.

Thông qua các thỏa thuận như Deutsche Bank mua lại Bankers Trust năm 1998, Credit Suisse tiếp quản DLJ năm 2000 và HSBC mua Household năm 2003, các ngân hàng châu Âu đã bơm hàng tỷ USD vào thị trường Mỹ trước thời kỳ khủng hoảng.

Sau đó, Barclays đã tham gia vào bữa tiệc với thỏa thuận mang tiếng vang nhất của họ và mua lại Lehman Brothers với giá 1,75 tỷ USD đúng đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng.

Vì sao các ngân hàng "đuối sức"?

Tuy nhiên, những tham vọng cuồng nhiệt đó giờ đã đổ vỡ. Đối với một số nhà quan sát, sự cắt giảm mạnh hiện đang được thực hiện là sự thừa nhận rằng không mấy người châu Âu đã xây dựng được hoạt động kinh doanh vững mạnh tại Mỹ.

Kian Abouhossein, người đứng đầu bộ phận phân tích các ngân hàng châu Âu của JPMorgan, cho biết: “Chúng tôi không thấy ban quản lý của ngân hàng châu Âu tạo ra giá trị cho các cổ đông của họ với các hoạt động ở Mỹ và có thể ủng hộ các chiến lược rút lui.”

Ở một góc nhìn khác, một số giám đốc ngân hàng tham gia vào việc mở rộng này lại cho rằng chính việc thiếu tham vọng, không phải là phản ứng thái quá, đã khiến các ngân hàng châu Âu rơi vào tình trạng khó xử như vậy.

Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng ngay cả trong giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính, khi các ngân hàng châu Âu coi là thời hoàng kim của họ ở Mỹ, thành tích của họ cũng không đồng đều.

Năm 2002, Deutsche Bank là ngân hàng kiếm tiền lớn thứ tám về phí ngân hàng đầu tư, trị giá 872 triệu USD, vẫn thấp hơn nhiều so với mức 2,6 tỷ USD mà ngân hàng đứng đầu thị trường khi đó là Bank of America kiếm được.

Đến năm 2007, Deutsche Bank tụt xuống vị trí thứ chín, với 1,6 tỷ USD phí thu được so với mức 4,4 tỷ của JPMorgan.

Vì sao nhiều ngân hàng đầu tư châu Âu 'lặng lẽ' rút khỏi Mỹ? ảnh 2Một chi nhánh của Deutsche Bank tại New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Barclays và UBS nằm ngoài nhóm 5 ngân hàng đứng đầu trong hầu hết các lĩnh vực của ngân hàng đầu tư, chỉ có Credit Suisse là ngân hàng châu Âu duy nhất thực sự thách thức người Mỹ.

Mặc dù các hoạt động thương mại của các ngân hàng châu Âu phát triển, nhưng lợi nhuận cơ bản là không rõ ràng - đặc biệt là khi một số lợi nhuận trên sổ sách gắn với các giao dịch liên quan đến thế chấp mà sau đó đã đăng ký khoản lỗ lớn.

Hoạt động bán lẻ cũng gặp khó khăn, chẳng hạn như HSBC đã đóng cửa hoạt động kinh doanh mới của Household chỉ sau vài năm sau mua ngân hàng này.

Paul Tucker, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh và hiện đang công tác tại trường Đại học Harvard, nói: “Tôi chắc chắn là không một ngân hàng lớn nào của Anh và có thể là không ngân hàng châu Âu nào kiếm được tiền qua một vài chu kỳ tín dụng ở thị trường Mỹ.”

Trong khi đó, một cựu Giám đốc điều hành ngân hàng châu Âu nói rằng các ngân hàng đã “một thời gian dài che giấu” các yếu tố tài chính trong hoạt động kinh doanh của mình tại Mỹ. Họ không chỉ cố gắng lừa gạt khách hàng mà trong một số trường hợp là cả nhân viên. Nếu nhân viên biết tình hình xấu như thế nào, họ có thể quyết định bỏ việc.

Dù những năm trước khủng hoảng có phải là thời kỳ bùng nổ của các ngân hàng châu Âu tại Mỹ hay không, nhiều giám đốc điều hành vẫn tin rằng mầm mống cho sự suy giảm của họ đã được bắt đầu trong giai đoạn đó.

“Các ngân hàng châu Âu đã có một khởi đầu sai lầm,” một lãnh đạo ngân hàng đầu tư cao cấp nói.

Ông nói thêm rằng từ năm 2012 đến 2019, tài sản của các ngân hàng đã đi xuống theo “đường thẳng đứng.”

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu nói rằng các ngân hàng của khu vực này được phép chấp nhận rủi ro quá mức. Không giống như ở châu Âu, Mỹ có giới hạn tuyệt đối về đòn bẩy từ năm 1981.

Các ngân hàng châu Âu đã mở rộng bảng cân đối kế toán lên gấp 60 lần vốn chủ sở hữu trong thời gian trước khủng hoảng, so với mức đòn bẩy gấp 35 lần tại các ngân hàng Mỹ, tạo nên các mối nguy hiểm tài chính thương mại lớn hơn rất nhiều.

Trong thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, sự yếu kém tương đối của nền kinh tế châu Âu so với Mỹ đã khiến các ngân hàng của châu lục này gặp bất lợi và khiến các đối thủ Mỹ có thêm nguồn lực để mở rộng.

Ngành công nghiệp ngân hàng Mỹ cũng được hưởng lợi từ cách tiếp cận chủ động hơn trong việc cứu trợ các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Đối với các chủ ngân hàng, lý do lớn nhất khiến lợi nhuận ở Mỹ giảm là quy định.

Họ trích dẫn mọi thứ từ quyết định 2008/09 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc các ngân hàng nước ngoài đến năm 2016 phải bảo vệ và cung cấp vốn đầy đủ cho các hoạt động tại Mỹ.

Theo các quy tắc vốn toàn cầu, điều đó đánh vào các hoạt động kinh doanh có thu nhập cố định, vốn là hoạt động cốt lõi tại Phố Wall của Barclays và Deutsche Bank.

Trong khi đó về nhân sự, mang tâm lý thất vọng vì sự quan liêu và quản lý tập trung, các nhân vật giỏi tại các ngân hàng châu Âu dần dần ra đi tìm kiếm mảnh đất màu mỡ hơn, thường là thiết lập hoạt động kinh doanh của riêng mình và lôi kéo khách hàng đi theo.

Khi nói về quyết định rời khỏi UBS năm 2007, ông Moelis nói: “Tôi đến đó để tạo ra một cái gì đó tuyệt vời. Tôi không nghĩ họ muốn trở nên tuyệt vời. Họ muốn tốt. Một số ngân hàng châu Âu, tâm lý của họ chỉ là hãy làm tốt."

Christian Meissner, người đứng đầu bộ phận đầu tư của Bank of America từ năm 2010 đến cuối năm 2018, nói: “Không có ngân hàng châu Âu nào đủ kiên định xây dựng một doanh nghiệp ở Mỹ và dù họ có thể thu hút nhân tài, nhưng họ không có khả năng duy trì điều đó trong một thời gian dài."

Ví dụ rõ ràng nhất là Deutsche Bank, cuối cùng thì đến mùa Hè năm ngoái Deutsche Bank đã thực hiện cắt giảm ngân hàng đầu tư của mình, trong khi các đối thủ Barclays và UBS đã thực hiện trước đó hơn 5 năm và các ngân hàng Mỹ thậm chí còn thực hiện sớm hơn.

Người trong cuộc ở Deutsche Bank bây giờ kín đáo thừa nhận rằng đã có sai lầm. Ngân hàng này đã vội vã ăn mừng những thành công ban đầu của mình sau cuộc khủng hoảng trong khi đáng lẽ phải thận trọng hơn.

Ban lãnh đạo cấp cao tin rằng những thay đổi trong ngành - như những yêu cầu mới về vốn và lệ phí thấp hơn - sẽ là tạm thời và ngân hàng này đã phải trả một cái giá thảm khốc, làm tăng khoản lỗ lũy kế trước thuế của toàn tập đoàn trong 5 năm tính đến cuối 2019 lên gần 7 tỷ euro.

Tuần trước, Giám đốc điều hành tạm thời của HSBC Noel Quinn cho biết ngân hàng này có thể có “lợi nhuận ở mức chấp nhận được” trong trung hạn từ sự thay đổi hoạt động ở Mỹ. Đây sẽ là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của HSBC.

Tuy nhiên, hầu hết những người bên ngoài đều bi quan về triển vọng của các ngân hàng châu Âu, cho rằng công nghệ đã làm cho quy mô trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, trong khi lãi suất âm ở châu Âu khiến các ngân hàng của châu lục này có nền tảng cơ sở tài chính yếu hơn để xây dựng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục