Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với châu Âu

Trước chuyến thăm của Thủ tướng tới Vương quốc Bỉ và EU, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Vũ Anh Quang đã trả lời phỏng vấn về quan hệ Việt Nam-Bỉ và EU.
Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với châu Âu ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Bỉ, Vũ Anh Quang. (Ảnh: Kim Chung/TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 16-19/10 tới, phóng viên TTXVN tại Brussels đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Vũ Anh Quang.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Đại sứ cho biết mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu?

Đại sứ Vũ Anh Quang: Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Vương quốc Bỉ từ ngày 16-19/10 tới có ba mục đích chính, hướng tới ba đối tác quan trọng của Việt Nam.

Thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á Âu (ASEM) lần thứ 12, tổ chức tại Brussels trong hai ngày 18-19/10 tới, với sự tham dự của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của 51 quốc gia thành viên.

Với chủ đề "Châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu," các nhà lãnh đạo Á Âu sẽ trao đổi về các cơ hội và thách thức mà hai châu lục phải đối mặt trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng và phức tạp và đưa ra các định hướng lớn nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác và kết nối Á Âu ứng phó với các thách thức chung.

Việt Nam đặc biệt coi trọng vai trò của Diễn đàn cấp cao ASEM, đã từng đăng cai Hội nghị cấp cao ASEM năm 2005 và tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng ngay tại phiên họp đầu tiên, trong đó nêu bật các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam về tăng cường hợp tác và kết nối Á Âu.

Đồng thời, bên lề Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam sẽ có một loạt cuộc gặp với nguyên thủ và thủ tướng các nước nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Thứ hai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Vương quốc Bỉ từ ngày 16-17/10. Dự kiến, Thủ tướng sẽ hội kiến Nhà Vua Bỉ Philippe, hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel, gặp Chủ tịch Hạ viện Bỉ, tiếp Bộ trưởng-Chủ tịch các vùng Flanders và Wallonie là hai vùng lớn nhất ở Bỉ và có quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

[Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Tọa đàm xúc tiến đầu tư tại Brussels]

Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, hội kiến Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani, tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu Bernd Lange nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam với EU.

Thúc đẩy quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện với EU - một trong những trung tâm kinh tế-chính trị hàng đầu trong một thế giới đa cực - luôn là một trong những ưu tiên và có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

- Theo Đại sứ, trong thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác Bỉ nói riêng và EU nói chung có những điểm nhấn nào nổi bật?

Đại sứ Vũ Anh Quang: Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra đúng vào năm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1977-2018) và quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững là trọng tâm.

Bỉ là bạn hàng thương mại thứ bảy của Việt Nam trong 28 nước EU và trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 2,7 tỷ USD năm 2017; đầu tư của doanh nghiệp Bỉ tại Việt Nam đến tháng Tám vừa qua đạt khoảng 900 triệu USD; hợp tác giữa các địa phương của hai nước rất đa dạng và sôi động; Bỉ lại có hải cảng Antwerp, lớn thứ hai châu Âu, là cửa ngõ quan trọng của hàng hóa Việt Nam nhập vào thị trường Bỉ và châu Âu.

Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa hai nước sẽ được ký trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam, đặc biệt là Thỏa thuận Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong lĩnh vực Nông nghiệp và Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Việt Nam và Chính quyền Vùng Flanders, là vùng phát triển nhất của Bỉ và đi đầu trong hợp tác với Việt Nam.

Với EU, Việt Nam và EU đã phê chuẩn Hiệp định khung về quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) từ cuối năm 2016; hai bên vừa phê duyệt Quy chế hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-EU, cùng 4 Tiểu ban trực thuộc, để triển khai Hiệp định khung này.

Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với châu Âu ảnh 2Đại sứ Vũ Anh Quang và Giám đốc điều hành WBI Christian Carette. (Ảnh: Kim Chung/TTXVN)

Hai bên cũng đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Việt Nam-EU và đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục ký và phê chuẩn hai Hiệp định này.

Do đó, các cuộc gặp của Thủ tướng Việt Nam với các lãnh đạo EU có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thúc đẩy việc sớm triển khai quan hệ Đối tác-Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU và đặc biệt là đẩy nhanh tiến trình sớm ký và phê chuẩn hai Hiệp định quan trọng là FTA và IPA giữa Việt Nam và EU.

Do vậy, chuyến công tác tại Bỉ sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Bỉ cũng như trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.

- Đại sứ có thể vui lòng đưa ra đánh giá về triển vọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Bỉ và EU trong thời gian tới sau chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Đại sứ Vũ Anh Quang: Trước hết với Bỉ, cơ hội tăng cường hợp tác giữa hai nước rất lớn và cả hai đều sẵn sàng nắm bắt các cơ hội này qua các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Bỉ.

Với việc ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược Việt Nam-Bỉ về nông nghiệp, văn bản hợp tác giữa Việt Nam và Vùng Flanders trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam, cũng như Chương trình hợp tác 3 năm 2019-2021 giữa Việt Nam và Vùng Wallonie sẽ được ký tháng 11 tới, quan hệ Việt Nam-Bỉ sẽ có bước phát triển mới cả về kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là trên các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh và hai nước có tiềm năng hợp tác lớn như nông nghiệp công nghệ cao, môi trường và năng lượng sạch, dịch vụ hậu cần, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Với EU, việc Hiệp định Đối tác-Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU sẽ sớm được triển khai tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban hỗn hợp dự kiến vào tháng 1/2019 và các Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ Đầu tư sau khi được hai bên ký và phê chuẩn sẽ đánh dấu một mốc mới, tạo khuôn khổ chính trị-pháp lý vững chắc để quan hệ hợp tác Việt Nam-EU phát triển theo chiều sâu và thực chất hơn.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 50 tỷ USD năm 2017, dự kiến năm nay sẽ đạt trên 55 tỷ euro năm 2018; EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm tại Việt Nam, với tổng giá trị vốn đạt trên 44 tỷ USD.

Giới phân tích châu Âu nhận định khi các Hiệp định FTA và IPA Việt Nam-EU có hiệu lực, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EU, trong đó có Bỉ sẽ tăng mạnh vì hàng hóa hai bên không hề cạnh tranh mà trái lại bổ sung cho nhau; đồng thời sẽ có làn sóng đầu tư mới từ các nước EU vào Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực công nghệ cao. Đây là các lĩnh vực mà Việt Nam rất cần trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững ở Việt Nam.

Trân trọng cám ơn Đại sứ!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục