Việt Nam tích cực đóng góp vào thảo luận về phát triển luật quốc tế

Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia Hội nghị thường niên lần thứ 57 của Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO), phát biểu, thảo luận tại các phiên thảo luận và các hoạt động bên lề.

Từ ngày 8-12/10, Hội nghị thường niên lần thứ 57 của Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO) với chủ đề trọng tâm là "Quản trị toàn cầu và pháp quyền ở cấp độ quốc tế" đã diễn ra tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Tham dự Hội nghị có đại diện của 37 nước thành viên AALCO, trong đó có 6 nước ASEAN (Brunei, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) cùng với 6 đoàn của các quan sát viên (gồm các nước như Philippines, Nga, Belarus, Tunisia và một số tổ chức quốc tế).

Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có đại diện 4 trung tâm trọng tài thương mại quốc tế trong khu vực của Malaysia, Ai Cập, Nigeria và Kenya.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh những đóng góp của AALCO trong phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế, nhắc lại tầm quan trọng của việc đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc tế.

Ông Kono khẳng định cần xây dựng cơ chế quốc tế dựa trên luật lệ nhằm duy trì và thúc đẩy phát triển tại châu Á và châu Phi.

Với nỗ lực đóng góp thúc đẩy trao đổi, hợp tác về các vấn đề pháp lý quốc tế giữa các quốc gia thành viên, Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến mới về chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho các nước thành viên AALCO trong lĩnh vực pháp luật quốc tế.

[Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi]

Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản, ông Takashi Yamashita, khẳng định tầm quan trọng của pháp quyền ở các nước trong giai đoạn toàn cầu hóa, chỉ rõ Mục tiêu 16 trong Mục tiêu Phát triển Bền vững đã xác định pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế là các thành tố cơ bản để đạt được phát triển bền vững.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách về pháp lý, ông Miguel de-Serpa Soares, khẳng định các tổ chức khu vực như AALCO là đối tác thiết yếu của Liên hợp quốc trong quá trình phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế.

Các ý kiến thảo luận của các nước đều cho rằng trật tự toàn cầu đang có nhiều biến động do thách thức từ chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch, vì vậy việc đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc tế càng đóng vai trò quan trọng hơn, nhất là đề cao tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước, cam kết quốc tế. Đồng thời, nhằm bảo đảm cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc gia.

Các nước cần hoàn thiện các quy định, cơ chế trong nước, nhất là về thương mại, đầu tư, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên biển...

Về phía chuyên gia, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Việt Nam trong Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc cùng một số thành viên khác của Ủy ban tập trung thảo luận về một số vấn đề pháp lý quốc tế chuyên sâu.

Tại hội nghị, các nước cũng thảo luận sâu về các chủ đề pháp luật quốc tế trong không gian mạng, luật biển, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, luật thương mại và đầu tư quốc tế, vi phạm pháp luật quốc tế ở Trung Đông trong thời gian qua.

Qua thảo luận, các nước thành viên AALCO (như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Nam Phi, Việt Nam...) và Nga với tư cách quan sát viên đều nhấn mạnh việc thúc đẩy xây dựng pháp luật quốc tế đối với các lĩnh vực mới như không gian mạng, bảo vệ đa dạng sinh học trong khu vực ngoài vùng tài phán quốc gia; đồng thời, tăng cường pháp luật quốc tế, bảo đảm lợi ích của các nước đang phát triển trong hệ thống thương mại, đầu tư quốc tế.

Đoàn liên ngành Việt Nam do Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Lê Thị Tuyết Mai làm trưởng đoàn, cùng đại diện của các Bộ Quốc phòng, Công an, Tư pháp và Ngoại giao đã tích cực tham gia hội nghị, phát biểu, thảo luận tại các phiên thảo luận và các hoạt động bên lề.

Đoàn Việt Nam nhấn mạnh quan điểm, chủ trương của Việt Nam về đề cao pháp quyền ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, duy trì hòa bình ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đoàn Việt Nam cũng trao đổi, cập nhật những nỗ lực của Việt Nam cùng các nước ASEAN và các nước đối tác phát triển Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, kêu gọi các bên kiềm chế không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, xây dựng Đông Nam Á là khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Đoàn cũng khẳng định việc Việt Nam tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, nỗ lực thúc đẩy quản lý nghề cá có trách nhiệm, đấu tranh chống nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không quản lý (khai thác IUU).

Trong năm qua, Việt Nam đã ban hành các quy định mới về an ninh mạng phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về tham gia phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, trong năm 2018, Việt Nam cũng đã phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 10 của Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân; đồng thời tham gia Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý ràng buộc theo Công ước Luật Biển năm 1982 về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia.

Đoàn Việt Nam cũng tích cực tham gia thảo luận tại các đề mục của hội nghị.

AALCO là tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập năm 1956 trong Phong trào không liên kết của châu Á và châu Phi. Với mục tiêu là diễn đàn hợp tác, trao đổi quan điểm, kinh nghiệm và thông tin của các quốc gia châu Á và châu Phi về những vấn đề luật pháp quốc tế gắn với lợi ích của những nước này, AALCO đã đóng góp vào việc pháp điển hoá và phát triển luật pháp quốc tế, là tổ chức quốc tế duy nhất trên thế giới hiện nay tập hợp và thúc đẩy đoàn kết của các nước châu Á và châu Phi trong lĩnh vực pháp luật quốc tế.

Một trong những đóng góp nổi bật của AALCO trong thời gian qua cho sự phát triển của pháp luật quốc tế là việc tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến hoàn thiện UNCLOS 1982.

Từ một Ủy ban với chỉ 7 quốc gia thành viên ban đầu đều ở châu Á, AALCO hiện nay có 47 quốc gia thành viên ở cả châu Á và châu Phi.

Năm 2017, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của AALCO. Trước đó, Việt Nam tham gia AALCO với tư cách quan sát viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục