Vụ đổi 100 USD: Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị sửa đổi quy định về mức phạt

Tại buổi họp báo của Bộ Tư pháp, nhiều phóng viên quan tâm đến vụ việc xử phạt hành chính 90 triệu đồng với anh Nguyễn Cà Rê vì đã đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực, Cần Thơ.

Chiều 29/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo, thông tin về công tác tư pháp quý III và tháng 10/2018.

Nhiều vấn đề thời sự liên quan đến các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đã được giải đáp thẳng thắn tại buổi họp báo.

Nội dung được nhiều phóng viên quan tâm là việc xử phạt hành chính 90 triệu đồng với anh Nguyễn Cà Rê (ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Trả lời câu hỏi này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, việc xử phạt đã căn cứ vào Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và mức xử phạt là đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, khoản 3 Điều 24 quy định phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Ngoài ra còn có hình thức hình phạt bổ sung khác như tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định nói trên.

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Phương cũng cho biết thêm: “Hiện nay chúng tôi không có hồ sơ vụ việc nên không có cơ sở để đánh giá tính hợp pháp của trình tự, thủ tục.”

[Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo xử lý vụ phạt người đổi 100 USD]

Bà Phương cho biết Cục sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư Pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 96, trong đó sửa quy định mức xử phạt theo hướng phạt khác nhau căn cứ trên số lượng và giá trị tang vật.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển đã thông tin một số kết quả công tác chủ yếu quý III và tháng 10/2018.

Theo đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 65 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 9 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ cũng kiểm tra 1074 văn bản của các bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.

Về kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 570.000 việc trong tổng số gần 712.000 việc có điều kiện thi hành; đạt 80,3% (tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2017) với số tiền thi hành xong là hơn 34.500 tỷ đồng, đạt 38,35% (tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2017).

Bộ cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; thực hiện nghiêm túc các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong đó, vụ Nguyễn Đức Kiên đã thi hành xong toàn bộ các khoản phải thi hành án gồm án phí, tiền phạt và tiền truy thu sung công quỹ; vụ Phạm Công Danh đã thi hành xong hơn 5.230 tỷ đồng (đạt 45%), các khoản còn lại cơ quan thi hành án đang phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định, bán đấu giá tài sản đã kê biên.

Đối với vụ Giang Kim Đạt, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan xử lý các tài sản; vụ Hà Văn Thắm, cơ quan thi hành án dân sự đang tiến hành xử lý tài sản đã thu giữ, kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra gồm quyền sử dụng đất, nhà, cổ phần, cổ phiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục