Vụ lấp hồ để phân lô bán đất ở Hà Nội: Đừng vì lợi ích trước mắt

Vụ lấp hồ để phân lô bán đất ở Hà Nội: Giới chuyên gia nói gì?

Theo giới chuyên gia, lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại cho môi trường, chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Vì thế, không nên vì lợi ích trước mắt để nhận về hậu quả khôn lường...
Vụ lấp hồ để phân lô bán đất ở Hà Nội: Giới chuyên gia nói gì? ảnh 1Lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại cho môi trường. (Nguồn ảnh: HV/Vietnam+)

Liên quan đến vụ việc gần 100 hộ dân sinh sống ở gần khu vực hồ Bà Đồ thuộc phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) tha thiết đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giữ lại “lá phổi xanh” này để điều hòa nguồn nước, chống ngập cho khu dân cư thay vì “lấp để phân lô bán đất,” nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại cho môi trường, bởi hồ tự nhiên đã lấp thì sẽ mất.

Nỗi lo mất hồ, mất “lá phổi xanh”

Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus ngày 17/3, người dân sinh sống ở gần khu vực hồ Bà Đồ cho rằng đây là hồ tự nhiên, có diện tích trải dài qua nhiều khu dân cư, đã hình thành từ xa xưa. Dù quá trình đô thị hóa khiến “lá phổi xanh” này bị thu hẹp nhưng hiện hồ vẫn đang làm nhiệm vụ thoát nước, chống ngập, tạo cảnh quan sinh thái.

Khu hồ tự nhiên Bà Đồ có diện tích khoảng 1,2 hécta thuộc hệ thống hồ tự nhiên tại khu vực tổ 11, 12 phường Ngọc Thụy. Hơn 30 năm trước, chính quyền địa phương đã giao lại cho một số người dân thuê thầu thả cá, phát triển hồ câu. Sau đó, hồ Bà Đồ ngăn làm đôi, đặt tên thành hồ câu Xuân Quế và hồ câu Xuân Thủy.

“Hai hồ này cũng không phải là hồ kín bởi luôn liên thông nước với các hệ thống hồ nhỏ liền kề và thoát nước ra bên ngoài bằng hệ thống cống, mương thoát nước đã có từ xưa đến nay. Đặc biệt, sau mỗi đợt mưa lớn kéo dài, nhờ có khu hồ này nên chức năng thu gom nước mưa rất tốt,” người dân gần hồ Bà Đồ chia sẻ.

[Đề nghị Hà Nội thông tin về việc lấp hồ tự nhiên để phân lô bán đất]

Chính vì thế, từ đầu năm 2021, sau khi nghe tin sẽ lấp hồ Bà Đồ để làm dự án, gần 100 hộ dân sinh sống gần khu vực hồ Bà Đồ đã thống nhất viết đơn gửi nhiều cơ quan của thành phố Hà Nội, trong đó tha thiết đề nghị giữ lại “lá phổi xanh” hồ Bà Đồ để điều hòa nguồn nước, chống ngập úng, thay vì lấp để bán đất phân lô.

Trong khi đó, trong văn bản gửi tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà khẳng định hồ câu Xuân Quế và Xuân Thủy do chủ thuê thầu tự cải tạo là khu vực nằm trong ranh giới thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật thực hiện các ô quy hoạch và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất phường Ngọc Thụy.

“Các ô đã quy hoạch gồm A4/N04, A8/N02, A4/HH2, A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch, hoàn toàn không có tác dụng thoát nước cũng như sinh thái cho khu vực dân cư lân cận xung quanh do không kết nối với hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn quận,” nội dung văn bản do ông Hà ký nhấn mạnh.

Vụ lấp hồ để phân lô bán đất ở Hà Nội: Giới chuyên gia nói gì? ảnh 2Một góc hồ Bà Đồ ở phường Ngọc Thụy. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Trước ý kiến trái chiều trên, ngày 16/3, người dân phường Ngọc Thụy đã tiếp tục làm đơn gửi đến Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đề nghị cơ quan chức năng cần sớm cung cấp văn bản, quyết định, bản đồ quy hoạch hồ Bà Đồ có nằm trong ranh giới dự án thu hồi đất, phân lô bán nền hay không?

Lấp hồ là cách đánh đổi có hại

Chia sẻ về vụ việc trên, Phó giáo sư tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam - người luôn đau đáu với vấn đề ô nhiễm môi trường của các sông, hồ trong nội đô cho rằng hồ tự nhiên hiện còn rất quý bởi diện tích mặt nước ngày một thu hẹp do lấn chiếm, đô thị hóa trong nhiều năm qua.

Do vậy, không nên lấy lý do này lý do khác để lý giải, làm sai lệch đi chức năng của hồ tự nhiên. “Nếu hồ tự nhiên mà không chống ngập, điều hòa nguồn nước thì để làm gì?” ông Tứ đặt câu hỏi và nói rằng nhân dân sống cạnh hồ là những người cảm nhận rõ nhất chức năng hồ đã điều hòa nguồn nước, chống ngập ra sao.

“Lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại cho môi trường cảnh quan, chứ không phải là báo động nữa. Bởi hồ tự nhiên đã lấp thì sẽ mất luôn, không bao giờ có thể khôi phục được. Chúng ta đã có rất nhiều bài học...,” ông Tứ chia sẻ thêm.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng đưa ra quan điểm không đồng tình với việc lấp hồ: “Tôi được biết đến nay Hà Nội đã có nhiều lần quy hoạch về không gian hồ nước, gần đây nhất là năm 2016. Qua các quy hoạch đều xác định cần giữ lại hồ tự nhiên, nhiều hồ còn tiếp tục được khơi thông tạo độ sâu mới để đảm bảo điều tiết nước mưa, chống ngập úng.”

Đồng quan điểm trên, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng dù có diện tích mặt nước lớn nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã lấp đi quá nhiều ao hồ tự nhiên trong khi hồ đã hình thành tự nhiên thì sẽ có chức năng điều hòa nguồn nước, tạo cảnh quan. Vì thế, không nên vì lợi ích trước mắt mà lấp hồ, bởi hệ quả của việc lấp hồ sẽ gây ra những biến động của thiên nhiên ngay lập tức như: Ngập lụt, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm đột ngột.

Theo ông Võ, trước đây ở quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội) cũng đã từng có nhiều tranh cãi về câu chuyện lấp hồ tự nhiên. Tại các hội thảo khoa học, cá nhân ông được biết Hà Nội không có chủ trương lấy thêm diện tích đất mặt nước tự nhiên.

“Những năm gần đây, khi xây dựng các dự án bất động sản lớn hay đại đô thị, chủ đầu tư còn phải múc thêm hồ để tạo cảnh quan, điều hòa nguồn nước khu đô thị, trong khi hồ tự nhiên lại đang bị chúng ta lấp bỏ không thương tiếc. Đây là câu chuyện rất đáng buồn,” giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ nỗi trăn trở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục