Vụ phóng xạ Cs-137 thất lạc ở Bắc Kạn: Mức độ nguy hiểm tới đâu?

Các chuyên gia đã có nhận định sơ bộ về mức độ nguy hiểm tới sức khỏe con người sau vụ nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất tại Bắc Kạn.
Vụ phóng xạ Cs-137 thất lạc ở Bắc Kạn: Mức độ nguy hiểm tới đâu? ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước sự việc nguồn phóng xạ Cs-137 trong Nhà máy Ximăng Bắc Kạn đóng trên địa bàn phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn bị mất trong quá trình lưu giữ tại kho, nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng về việc phát tán phóng xạ ra môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo thông tin tại giấy phép số 270/GP-ATBXHN ngày 12/8/2010 của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), hoạt động hiện tại của nguồn phóng xạ Cs-137 vào khoảng 3,97mCi (146,89 MBq) và được xếp vào nguồn phóng xạ nhóm 5.

[Nguồn phóng xạ Cs-137 ở ximăng Bắc Kạn bị mất cắp gây hoang mang]

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus sáng 5/1, Phó giáo sư, tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, Cs-137 là nguồn phóng xạ nhỏ, ở mức độ nguy hiểm thấp nhất và không gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền (Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) cũng cho hay, trong trường hợp xấu là nguồn phóng xạ nói trên đã bị đưa vào lò luyện thép thì mức độ rủi ro cũng không cao, không gây nguy hại lớn dẫn đến chết người.

Ông Tấn cũng cho biết đã cử đoàn chuyên gia cùng với thiết bị dò tìm phóng xạ tốt nhất để phối hợp với Bắc Kạn xử lý.

Tuy nhiên, cho đến ngày 4/1, manh mối về Cs-137 vẫn chưa được phát hiện. Qua đo phông phóng xạ môi trường tại khu vực Công ty ximăng Bắc Kạn, các tuyến đường giao thông và các khu khả nghi trong thành phố, không phát hiện thấy mức phóng xạ môi trường bất thường.

Theo một tài liệu của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân vào tháng 10/2014, khi Luật Năng lượng nguyên tử có hiệu lực (năm 2009), các chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng năng lượng nguyên tử được giao cho một số bộ ngành.

Theo đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý về phát triển điện hạt nhân và ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật; Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ứng dụng bức xạ trong y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ứng dụng bức xạ trong lĩnh vực nông nghiệp; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ứng dụng bức xạ trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường...

Trả lời báo chí, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong việc thất lạc nguồn phóng xạ này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về phía Công ty xi măng Bắc Kạn, Ngân hàng đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Kạn. Nguồn phóng xạ là tài sản của Công ty xi măng, nhưng do làm ăn thua lỗ nên đã thanh lí cho phía ngân hàng./.

Cả nước hiện có gần 4.000 nguồn phóng xạ theo các nhóm nguồn với các mức độ tiềm tàng nguy hiểm khác nhau. Trong đó có 2.017 nguồn phóng xạ đang sử dụng với 1.337 nguồn sử dụng cố định và 680 nguồn di động.

Các nguồn phóng xạ di động được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp như máy đo độ ẩm chặt, khoan thăm dò dầu khí, dò chất nổ trong kiểm tra an ninh, đo không phá huỷ… và hầu hết được các cơ sở tự lưu trữ, sử dụng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục