Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào ngày 1/2 tới để thảo luận về "sự lây lan một cách bùng nổ" của virus Zika, loại virus lây truyền qua muỗi và có thể gây dị tật ở thai nhi.
Phát biểu trong cuộc họp ngày 28/1 tại Geneva (Thụy Sĩ), giám đốc WHO Margaret Chan nhấn mạnh virus Zika đang lan nhanh một cách bùng nổ, mức độ báo động đối với loại virus này đặc biệt cao.
Bà Chan đã triệu tập cuộc họp khẩn của WHO vào ngày 1/2 tới để xác định lần bùng phát này của virus Zika đã đủ để ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế hay chưa.
Trước đó, WHO từng cảnh báo virus Zika sẽ lan khắp các nước châu Mỹ trừ Canada và Chile. Cũng Theo WHO, khoảng 3-4 triệu người ở châu Mỹ, trong đó có 1,5 triệu người ở Brazil, có thể sẽ bị lây nhiễm loại virus này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Honduras thông báo số ca nhiễm virus Zika tại nước này đã lên đến 1.000 trường hợp tính từ tháng 12/2015.
Theo Thứ trưởng Y tế Francis Contreras, chỉ có 51 ca nhiễm trong tháng 12/2015. Tuy nhiên, con số này đã tăng thêm 949 trường hợp tính từ ngày 1/1/2016.
Ông Contreras không đề cập đến ca trẻ sơ sinh nào bị đầu nhỏ, một dị tật virus này gây ra song thông báo về các trường hợp bệnh nhân Zika tử vong sau khi mắc hội chứng rối loạn Guillain Barre, hệ thống miễn dịch tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên.
Trong khi đó, nhà chức trách Pháp đã kêu gọi các phụ nữ mang thai không nên tới các quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ và Caribe sau khi một loạt nước châu Âu thông báo có bệnh nhân nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Tính tới nay, đã có 6 nước châu Âu bao gồm Anh, Italy, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Thụy Sĩ ghi nhận các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch tại Nam Mỹ.
Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae, lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Đối với phụ nữ có thai, virus để lại dị tật thai nhi với chứng teo não.
Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus Zika. Loại virus này đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947.
Các đợt bùng phát virus Zika từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ. Trong đợt bùng phát này, virus Zika đã lây lan khắp 24 quốc gia Nam Mỹ./.