Xây dựng 25 điểm quan trắc thủy điện Tây Nguyên

25 điểm quan trắc sẽ được xây dựng tại các công trình thủy điện Tây Nguyên là Buôn Kuốp ở Đắk Lắk, Ialy và Sêsan 4 ở Gia Lai.
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo số 2 Chương trình tổng thể quan trắc tác động đến môi trường của hoạt động thủy điện tại khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2013-2017.

Chương trình được thực hiện tại 3 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên là Buôn Kuốp (Đắk Lắk), Ialy và Sêsan 4 (Gia Lai).

Theo tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, chương trình sẽ xây dựng 25 điểm quan trắc tại các công trình thủy điện, trong đó có 16 điểm quan trắc hiện trạng (giám sát chất lượng nước tại khu vực thượng lưu các sông và khu vực lòng hồ), 9 điểm quan trắc tác động (giám sát chất lượng nước khi chảy qua các tuabin của nhà máy thủy điện, đoạn tiếp nhận nguồn nước từ quá trình quay tuabin trước khi đổ vào khu vực hạ lưu của các thủy điện).

Chương trình nhằm đánh giá một cách tổng quan tác động của thủy điện đến môi trường tại khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2013-2017.

Các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến cho chương trình về vị trí một số điểm quan trắc nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

Về các tiêu chuẩn được đưa ra đánh giá, các đại biểu cho rằng cần xét đến nhiều yếu tố khác ngoài chất lượng nguồn nước như: mức độ ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng; tác động của thủy điện đến sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái; cần bổ sung quan trắc về mặt khí tượng; quan trắc các chất thải, dầu mỡ khi dòng chảy qua các tuabin chảy ra cửa xả.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng nên kết hợp quan trắc với trạm khí tượng thủy văn để có một kết quả chính xác nhất và giảm kinh phí…

Hiện Tây Nguyên là khu vực cao nguyên có thế mạnh và điều kiện để phát triển các công trình thủy điện tốt nhất như độ dốc,dòng thác, sông hồ, lưu lượng dòng chảy. Các tỉnh này đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ, đạt công suất 5.000MW, bằng 1/3 tổng công suất hiện có của hệ thống điện quốc gia.

Việc xây dựng các công trình thủy điện song song là những hệ lụy như xâm hại rừng, tài nguyên rừng, diện tích rừng bị chiếm dụng rất lớn; các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên bị đe dọa, tạo ra những dòng sông chết; vùng hạ lưu thiếu nước do việc chặn dòng để chuyển nước, giảm lưu lượng nước về vùng hạ lưu, mất đất canh tác cho các hộ dân, chuyển dịch cơ cấu sản xuất của người dân./.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục