Xây dựng khung hợp tác phát triển Việt Nam-Liên hợp quốc

Kế hoạch chiến lược chung Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 là khuôn khổ hợp tác có ý nghĩa định hướng, hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội.
Xây dựng khung hợp tác phát triển Việt Nam-Liên hợp quốc ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã chủ trì cuộc họp Việt Nam-Liên hợp quốc về nâng cao năng lực ứng phó rủi ro thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 2/12/2020 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã chủ trì cuộc "Tọa đàm về xây dựng khung hợp tác phát triển Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026" nhằm đánh giá việc triển khai Kế hoạch Chiến lược chung Việt Nam-Liên hợp quốc (OSP) giai đoạn 2017-2021 và đề xuất một số định hướng/ưu tiên và giải pháp phù hợp để Liên hợp quốc tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Đồng chủ trì về phía Liên hợp quốc có Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra. Tham dự cuộc họp có đại diện của Văn phòng Chính phủ và một số Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc không ngừng phát triển sâu rộng và hiệu quả. Các tổ chức Liên hợp quốc đã luôn đồng hành và tích cực hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình tái thiết đất nước sau chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Việt Nam cũng không ngừng tăng cường vai trò, tiếng nói và để lại nhiều dấu ấn tại các diễn đàn Liên hợp quốc, là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến "Thống nhất hành động," một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), và là quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Kế hoạch chiến lược chung Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 là khuôn khổ hợp tác có ý nghĩa định hướng quan trọng và thiết thực, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn đề ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) và cam kết quốc tế quan trọng khác của Việt Nam.

[Nâng cao năng lực ứng phó rủi ro thiên tai liên quan biến đổi khí hậu]

Năm 2021, Việt Nam sẽ thông qua Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn mới và cũng chính là năm cuối cùng triển khai OSP 2017-2021, do đó hai bên đang gấp rút chuẩn bị xây dựngmột khuôn khổ hợp tác phát triển mới, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, kế hoạch mới của quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tận dụng tốt hơn các lợi thế so sánh của các tổ chức Liên hợp quốc trong tình hình mới.

Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra đề xuất bốn lĩnh vực trong OSP giai đoạn 2017-2021 (Con người, Hành tinh, Thịnh vượng và Hòa bình) sẽ tiếp tục được lồng ghép trong OSP giai đoạn mới, song các ưu tiên sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới cũng như vị thế và nhu cầu hiện tại của Việt Nam.

Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc chia sẻ về tiến độ thực hiện cải cách hệ thống phát triển Liên hợp quốc ở cấp quốc gia và cấp vùng, trong đó Việt Nam luôn là nước dẫn đầu thực hiện Sáng kiến Thống nhất Hành động của Liên hợp quốc. Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc khẳng định Liên hợp quốc luôn cam kết đồng hành hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các Mục tiêu SDG, nâng cao vai trò và vị thế ở khu vực và trên toàn cầu.

Đại diện các bộ, ngành đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Liên hợp quốc như thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tài nguyên nước, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân tộc thiểu số, chống bạo lực giới, già hóa dân số, đảm bảo vệ sinh trong trường học, dinh dưỡng cho trẻ em, chuyển đổi số, tăng cường khả năng tiếp cận các khoá học trực tuyến, giáo dục giới tính…

Xây dựng khung hợp tác phát triển Việt Nam-Liên hợp quốc ảnh 2Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam thăm người dân ở khu vực đã xử lý bom mìn, vật nổ tại xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh trong quá trình xây dựng khuôn khổ hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2026, Liên hợp quốc cần tăng cường tư vấn chính sách, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ năng lực cho Việt Nam trong điều hành hiệu quả kinh tế-xã hội, đặc biệt là về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn chặt chẽ với nhu cầu thị trường; phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa và tuần hoàn, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước và phát triển bền vững kinh tế biển.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn trong quá trình thực hiện, Liên hợp quốc và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam thường xuyên kiểm điểm, rà soát và đánh giá để có những điều chỉnh, bổ sung về giải pháp triển khai cho phù hợp với tình hình, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực, đồng thời chủ động nghiên cứu các đề xuất hợp tác cụ thể với các tổ chức Liên hợp quốc. Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định Bộ Ngoại giao sẵn sàng đóng vai trò cầu nối, kết nối hợp tác giữa bộ, ngành với Liên hợp quốc trong vấn đề này.

Kế hoạch Chiến lược chung Việt Nam-Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 là khung chương trình để thực hiện những hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên:  Đầu tư vào con người; đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.

Tổng ngân sách của Kế hoạch này dự kiến là hơn 423 triệu USD, trong đó 96 triệu USD từ ngân sách thường xuyên của Liên hợp quốc; 68 triệu USD từ các nguồn tài trợ khác và 259 triệu USD cần phải tiếp tục huy động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục