Dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Đền Hùng

Ngày 14/4, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, lãnh đạo UBND thành phố Việt Trì, Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương kính cáo các Vua Hùng.
Ngày 14/4, tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã long trong tổ chức Lễ dâng hương kính cáo các anh linh các Vua Hùng đã có công dựng nước, lập nên Nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì cùng với nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ vinh dự được thay mặt đồng bào cả nước trông non, giữ gìn hương khói Mộ Tổ để mỗi người dân đất Việt hành hương về cội nguồn thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao to lớn của Tổ tiên đã khai sơn, phá thạch, tạo nên vóc dáng, hình hài Tổ quốc, dân tộc.

Trước anh linh Tổ tiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì nguyện cùng với nhân dân cả nước làm tốt công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị to lớn của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, để nơi đây thực sự là điểm hội tụ khí thiêng sông núi, hồn thiêng của dân tộc Việt Nam, để đồng bào cả nước và mỗi người dân đất Việt được hành hương về thăm Mộ Tổ, thắp nén hương thơm nhớ về cội nguồn, cầu cho Quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bách gia trăm hộ hạnh phúc trường tồn.

Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ từ lâu đã được biết đến là một vùng đất phát tích của dân tộc, nơi có Kinh đô Văn Lang của các Vua Hùng - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu dựng nước. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tồn tại ở khắp các làng, xã trên địa bàn thành phố với nhiều loại hình như di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng kháng chiến, các lễ hội truyền thống, các loại hình văn nghệ dân gian... đã khẳng định giá trị sâu sắc, to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhân văn của thành phố Việt Trì trong hệ thống di sản văn hóa vùng Ðất Tổ.

Ðặc biệt, Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, nơi thờ phụng các Vua Hùng và cũng là di tích quan trọng bậc nhất quốc gia đã và đang trở thành điểm đến mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, đậm tính nhân văn và truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Trong đó, hai di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế của Việt Trì trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Việt Trì đã tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ mang tính chiến lược với quan điểm, mục tiêu phát triển, xây dựng Việt Trì trở thành trung tâm động lực kinh tế-xã hội, khoa học, công nghệ của tỉnh và khu vực; là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Năm 2012, mặc dù nền kinh tế chung còn nhiều thách thức gây ảnh hưởng bất lợi, nhưng với sự cố gắng vượt bậc, kinh tế-xã hội của thành phố đã đạt được những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,39%, thu nhập bình quân đầu người hơn 31,6 triệu đồng/năm.

Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm phát triển du lịch như Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, Công viên Văn Lang, đầu tư các hạng mục công trình kiến thiết cơ bản nâng cấp thành phố lên đô thị loại 1, chào mừng 50 năm thành lập thành phố Việt Trì, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc…/.

Lâm Đào An (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục