Lãnh đạo ngành giáo dục bất ngờ khi bị học sinh lớp 5 chất vấn

Tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Lào Cai, hàng chục lãnh đạo ngành giáo dục của nhiều tỉnh thành trên cả nước đã bất ngờ rơi vào thế bị động khi một học sinh lớp 5 đứng lên chất vấn.
Lãnh đạo ngành giáo dục bất ngờ khi bị học sinh lớp 5 chất vấn ảnh 1Giờ học theo mô hình trường tiểu học mới của cô và trò trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Lào Cai. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Trong buổi giao lưu với học sinh và ban giám hiệu trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, hàng chục lãnh đạo ngành giáo dục của nhiều tỉnh thành trên cả nước đã bất ngờ rơi vào thế bị động khi một học sinh lớp 5 đứng lên chất vấn.

“Em xin phép được hỏi các thầy cô, ở địa phương thầy cô có áp dụng mô hình trường tiểu học mới hay không? Các thầy cô có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình? Em xin mời thầy cô đại diện của tỉnh Bắc Ninh ạ?” em Khổng Phương Linh, học sinh lớp 5A4 nói.

“Chỉ có thể xảy ra ở trường học mới”

Đang là người đặt câu hỏi cho các em học sinh, bất ngờ bị hỏi ngược lại, rất nhiều thầy cô không giấu được sự ngạc nhiên.

Do không có đại diện của Bắc Ninh tham dự nên em Linh tiếp tục mời đại diện của tỉnh Bắc Giang.

Thầy Hà Nguyên Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Giao lưu là phải hai chiều. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp giao lưu giữa các thầy cô và học trò, thầy cô luôn là người đặt câu hỏi, trò trả lời. Tình huống học sinh lớp 5 đặt câu hỏi ngược lại cho thầy cô, nhất là những thầy cô hoàn toàn xa lạ, có lẽ chỉ có ở trường tiểu học mới.”

“Các em học sinh quá tự tin và mạnh dạn,” tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét.

Buổi giao lưu càng lúc càng trở nên thú vị khi chính học sinh là người giải đáp những thắc mắc của thầy cô giáo và của các các phụ huynh về mô hình trường tiểu học mới, về việc bỏ chấm điểm theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra như em cảm nhận thế nào khi học theo mô hình trường học mới? Em có tranh luận với thầy cô trong giờ học không? Nếu không học theo mô hình này nữa, em có buồn không? Nếu trong nhóm có bạn học yếu, em sẽ làm gì? 

Nguyễn Minh Tùng, học sinh lớp 5A4, trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết em rất thích học theo mô hình mới: “Chúng em tự tin hơn rất nhiều và đã biết tự học, biết học theo nhóm, biết chia sẻ, biết nhờ sự giúp đỡ của cô giáo khi chưa hiểu bài. Đầu và giữa tiết học có các trò chơi giúp chúng em thoải mái tinh thần. Không chỉ học kiến thức, chúng em còn học theo dự án, làm bánh khoai, bắp rang bơ, trồng hoa, trồng rau…”

“Nếu trong nhóm có bạn học yếu hơn, em sẽ nhờ một bạn học giỏi hơn kèm cặp, theo dõi, giúp bạn học tốt để đạt danh hiệu ‘đôi bạn cùng tiến’. Em cũng sẽ góp ý với bạn và bố mẹ bạn không để bạn chơi nhiều,” Tùng hồn nhiên phát biểu.

Học sinh Nguyễn Tiến Hòa thì cho biết, trong giờ học, các em vẫn thường tranh luận với cô giáo, nhất là khi kết quả bài làm của mình khác kết quả của cô. “Chúng em tranh luận và bàn bạc với cô để tìm đáp án đúng nhất,” Hòa trả lời.

Em Phan Lê Yến Nhi, lớp 4A6 khiến cả hội trường thêm rộn ràng với câu trả lời hồn nhiên: “Nếu lên bậc trung học cơ sở không được học theo mô hình trường học mới, em cũng hơi buồn, nhưng sẽ vẫn cố gắng để học tốt.”

Lãnh đạo ngành giáo dục bất ngờ khi bị học sinh lớp 5 chất vấn ảnh 2Cô và trò trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Lào Cai, cùng tham gia các trò chơi trong giờ nghỉ giải lao. (Ảnh: PM/Vietnam+)

“Tranh” phần trả lời thay Vụ trưởng

Không chỉ có các giáo viên, học sinh, buổi giao lưu còn có sự tham gia của đại diện cha mẹ học sinh, lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu ý kiến, anh Thắng, Trưởng ban phụ huynh trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ kiến nghị với lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học về việc bỏ chấm điểm theo Thông tư 30 đã làm mất niềm vui khoe điểm của học sinh. “Bây giờ con đi học về chúng tôi chỉ hỏi con học được gì, không hỏi con được mấy điểm như trước đây. Các con cũng không được hớn hở khoe điểm.”

Trong khi Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định chưa kịp có ý kiến thì em Nguyễn Minh Tùng, học sinh lớp 5A4, đã nhận phần trả lời về vấn đề Thông tư 30 của đại diện phụ huynh đặt ra.

“Từ khi có Thông tư 30, chúng em đã không còn phải cất giấu cặp nữa. Trước đây, cứ đi học về, bố mẹ luôn hỏi hôm nay con được mấy điểm? Nếu được 7 điểm, chúng em phải giấu cặp vì sợ bị mắng. Từ khi có Thông tư 30, bố mẹ không hỏi điểm nữa mà hỏi hôm nay con đi học có vui không?”

Theo cô Bùi Thị Kim Chi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, sự mạnh dạn, tự tin của học sinh là kết quả của việc triển khai mô hình trường tiểu học mới. 

Cụ thể, trong lớp, các em được chủ động học tập, thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm, trình bày ý kiến trước lớp nên đã làm quen với việc thuyết trình, trả lời trước đám đông. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn và hỗ trợ khi học sinh cần giúp đỡ. 

“Điều này khác với mô hình truyền thống là giáo viên giảng, học sinh thụ động ghi chép,” cô Chi nói.

Là người có hai con theo học hai mô hình khác nhau, con lớn học theo mô hình truyền thống, con nhỏ học theo mô hình trường tiểu học mới, chị Thu, Phó hội trưởng hội phụ huynh trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết bản thân chị nhận thấy rất rõ sự khác biệt từ các con.

“Trước đây, con lớn của tôi học hành khá vất vả, tính nhút nhát hơn, còn con nhỏ học nhàn hơn, mạnh dạn hơn. Buổi tối con không phải làm bài tập, chỉ đọc truyện, vui chơi cùng cả nhà. Con dám thể hiện ý kiến cá nhân, dám tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình, biết cách chia sẻ và làm việc nhóm. Là một phụ huynh, tôi thực sự rất vui vì điều đó,” chị Thu nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục