LHQ kêu gọi xây các thành phố thông minh ít sản sinh khí thải

LHQ kêu gọi xây dựng những hạ tầng cơ sở đô thị ít sản sinh khí thải trong bối cảnh các thành phố trên thế giới hiện đang thải 1/2 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
LHQ kêu gọi xây các thành phố thông minh ít sản sinh khí thải ảnh 1Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Hội nghị COP21. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/12, tại Hội nghị khí hậu dành cho các nhà lãnh đạo địa phương bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Paris (Pháp), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã công bố một báo cáo mới, trong đó nhấn mạnh cần có những chính sách và cơ chế cụ thể để thu hút đầu tư cho xây dựng những hạ tầng cơ sở "thông minh" thích ứng với sự biến đổi khí hậu tại các thành phố.

Báo cáo đưa ra 5 kiến nghị nhằm huy động vốn đầu tư để xây dựng những hạ tầng cơ sở đô thị ít sản sinh khí thải và thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Báo cáo cũng phân tích những trở ngại mà nhiều thành phố đang gặp phải trong quá trình huy động vốn, đó là các chính sách thuế và quy định không rõ ràng, thiếu kỹ năng phát triển dự án, thiếu sự kiểm soát việc quy hoạch hạ tầng cơ sở, chi phí giao thông đắt đỏ và thiếu những mô hình gây quỹ hiệu quả.

Theo Liên hợp quốc, khu vực đô thị chiếm hơn 70% lượng khí thải CO2, và các thành phố trên thế giới chiếm gần một nửa tổng số khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Các thành phố cũng là những nơi chịu tác động đầu tiên của sự biến đổi khí hậu, do đó cần phải được gấp rút bổ sung khả năng thích ứng, với việc các khu vực đô thị ước tính "ngốn" tới hơn 80% chi phí hàng năm của toàn cầu cho việc thích nghi với sự biến đổi khí hậu.

Cũng bên lề COP 21, trường Đại học Yale danh tiếng của Mỹ đã công bố báo cáo thống kê cho thấy chỉ riêng tổng số cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các thành phố, khu vực và công ty tham gia hai chương trình hành động do Liên hợp quốc khởi xướng đã cao hơn so với tổng lượng khí thải của ngành quặng và thép toàn cầu.

Báo cáo cũng cho biết 15 trong tổng số 20 ngân hàng lớn nhất thế giới, có tổng giá trị thị trường là gần 2.000 tỷ USD, đã đưa ra những cam kết hành động đồng thời phát hành trái phiếu xanh trị giá gần 50 tỷ USD để tài trợ cho các dự án khí hậu.

Phân tích của Yale được dựa trên hơn 10.000 cam kết chính thức của các thành phố, khu vực, công ty và nhà đầu tư tham gia hai kế hoạch có tên Khu vực Phi nhà nước hành động vì khí hậu (NAZCA) và Chương trình nghị sự hành động từ Lima tới Paris (LPAA)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục