Siêu bão tràn qua Nhật Bản và Đài Loan, 23 người bị thương

Siêu bão Chan-Hom đã quét qua quần đảo Okinawa của Nhật Bản làm ít nhất 23 người bị thương, trong khi đó, Bắc Đài Loan đã bắt đầu có mưa lớn và gió mạnh.
Siêu bão tràn qua Nhật Bản và Đài Loan, 23 người bị thương ảnh 1Sóng lớn do bão tại thành phố Navotas, Philippines ngày 8/7. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 10/7, siêu bão Chan-Hom đã quét qua quần đảo Okinawa của Nhật Bản làm ít nhất 23 người bị thương.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết vào trưa 10/7, bão Chan-Hom với sức gió 234km/giờ di chuyển về phía Tây Bắc, cách đảo Miyako thuộc quần đảo Okinawa khoảng 150km về phía Bắc với vận tốc khoảng 15km/h. Dự báo gió mạnh và sóng biển dâng cao tại Okinawa đến hết đêm.

Trước đó, bão tràn qua Philippines ngày 7/7 đã làm 5 người thiệt mạng và 1.500 người phải sơ tán.

Bão Chan-Hom bắt đầu gây mưa lớn và gió mạnh ở khu vực miền Bắc Đài Loan (Trung Quốc) ngày 10/7.

Thị trường chứng khoán cũng như các trường học và công sở trên đảo này đã phải đóng cửa. Quân đội đã được triển khai đến các khu vực Đông Bắc đảo để chống bão, trong khi các tàu cá về cảng để tránh bão.

Dự kiến, bão Chan-Hom di chuyển qua miền Bắc Đài Loan trong đêm trước khi đổ bộ khu vực duyên hải miền Đông Trung Quốc.

Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất, đề phòng bão Chan-Hom.

Vào lúc 5 giờ sáng (giờ địa phương), tâm bão được xác định cách bờ biển tỉnh Chiết Giang 550km về phía Tây Nam, dự báo sẽ đổ bộ khu vực giữa thành phố Phúc Đỉnh thuộc tỉnh Phúc Kiến và huyện Tượng Sơn tại tỉnh Chiết Giang.

Hơn 10.000 người tại tỉnh Chiết Giang đã phải sơ tán và 10.000 tàu đánh cá đã về cảng tránh bão. Các tuyến đường biển từ Chiết Giang đến Đài Loan đã ngưng hoạt động kể từ ngày 9/7.

Trong khi đó, cơ quan kiểm soát lũ lụt và hạn hán tỉnh Phúc Kiến đã yêu cầu người dân ở các trại nuôi cá ven biển phải sơ tán.

Trong ngày 9/7, cơn bão Linfa đã đổ bộ tỉnh Quảng Đông miền Nam Trung Quốc, gây mưa lớn ở khu vực ven biển. Hơn 1,6 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận mưa bão này. Khoảng 288 ngôi nhà đã bị sập và 56.000 người phải sơ tán; thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 1,3 tỷ nhân dân tệ (213 triệu USD). Chưa có thông tin về thương vong do cơn bão này gây ra.

Tại Indonesia, ngày 10/7, nhà chức trách nước này đã quyết định đóng cửa 5 sân bay sau khi núi lửa Raung tại Bondowoso, Đông Java, gia tăng phun trào.

Các sân bay quốc tế Ngurah Rai và Lombok, sân bay Selaparang, sân bay Blimbingsari và sân bay Notohadinegor bị đóng cửa nằm ở tỉnh Bali, Tây Nusa Tenggara và Đông Java.

Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho biết quyết định này dựa trên cảnh báo của Tổng giám đốc cơ quan hàng không vận tải và các sân bay đóng vào các thời gian khác nhau.

Cụ thể, sân bay Ngurah Rai sẽ bị đóng cửa cho đến 6h30 giờ địa phương, trong khi các sân bay tại tỉnh Tây Nusa Tenggara như Lombok và Selaparang bị đóng cửa đến 9 giờ địa phương. Các sân bay ở tỉnh Đông Java như Blimbingsari và Notohadinegoro sẽ lần lượt đóng cửa đến 12 giờ và 8 giờ giờ địa phương.

Thông báo trên sẽ thường xuyên được cập nhật và điều chỉnh với diễn biến hoạt động của núi lửa Raung.

Cho đến thời điểm này, khói bụi từ núi lửa Raung phun trào đã ảnh hưởng đến 8 chuyến bay nội địa và một chuyến bay quốc tế nối khu vực phía Tây và phía Đông của đảo Java.

Trong khi đó, việc hủy các chuyến bay nối giữa Australia và Bali cũng đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp khi hãng hàng không Jestar và Virgin Australia tiếp tục theo dõi những đám tro núi lửa trên sân bay Denpasar.

Hai hãng này khẳng định sẽ đưa ra những khuyến cáo cần thiết kịp thời, tăng thêm các chuyến bay đến và rời Bali trong những ngày tới nếu tình hình cải thiện.

Tương tự, hãng hàng không AirAsia đã khuyến cáo các chuyến bay của hãng này tránh các khu vực bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục