Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ điều trần về Biển Đông

Tại cuộc điều trần, các thượng nghị sỹ Mỹ đã gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải phản ứng mạnh mẽ hơn về những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên các vùng biển ở Đông Á.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ điều trần về Biển Đông ảnh 1Trung Quốc tiến hành hoạt động cải tạo đất tại Biển Đông. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Philippines)

Trong một động thái cho thấy Quốc hội Mỹ quan tâm đặc biệt về tình hình Biển Đông, ngày 13/5, các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vấn đề này.

Tại cuộc điều trần, các thượng nghị sỹ Mỹ đã gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải phản ứng mạnh mẽ hơn về những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên các vùng biển ở Đông Á.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Washington ngày càng quan ngại về việc Bắc Kinh đang xây dựng các đảo nhân tạo để tăng cường kiểm soát về quân sự đối với vùng lãnh thổ tranh chấp.

Thượng nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phàn nàn rằng chính quyền Obama thiếu một “chính sách chặt chẽ," đồng thời phản bác quan điểm của chính quyền Obama cho rằng Trung Quốc đang mất dần vị thế quốc tế do những động thái khiêu khích của mình.

Ông Corker nói: “Tôi không thấy Trung Quốc phải trả giá gì cho những hoạt động của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trên thực tế, tôi thấy chính chúng ta đang phải trả giá. Chúng tôi thấy các nước bạn bè tỏ ra thường xuyên lo ngại về việc chúng ta đứng ở đâu cũng như mức độ cam kết của chúng ta là gì."

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương David Shear đã từ chối bình luận về thông tin trên tờ Nhật báo Phố Wall hôm 12/5 rằng Washington đang cân nhắc điều tàu và máy bay của Hải quân Mỹ tới khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và tiến hành bồi đắp trên Biển Đông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel tuyên bố cho dù Trung Quốc có bồi đắp cát lên các bãi đá ngầm thế nào thì cũng không thể “tạo ra chủ quyền." Ông nhấn mạnh Mỹ kêu gọi kiềm chế trong các tranh chấp lãnh thổ và khẳng định “ngoại giao sẽ tiếp tục là công cụ đầu tiên của chúng tôi (trong giải quyết tranh chấp)."

Ông bảo lưu quan điểm rằng những hành động khiêu khích của Trung Quốc đã gây phương hại tới vị thế của nước này, đồng thời tuyên bố Mỹ đang “ngày càng nhận được yêu cầu” làm nhà bảo đảm an ninh cho khu vực này.

Khi được hỏi Mỹ có thể làm gì để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ông Russel nói rằng Washington sẽ đóng vai trò tích cực ở Biển Đông nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ và luật pháp quốc tế. Mỹ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban đối ngoại thượng viện, Thượng nghị sỹ Ben Cardin của bang Maryland cũng phàn nàn rằng đôi khi phản ứng của Mỹ đối với những hành động khiêu khích của Trung Quốc chỉ là một “thông cáo báo chí."

Cuộc điều trần diễn ra ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh vào cuối tuần này để gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới chức Mỹ cho biết người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ chuyển tới nhà lãnh đạo Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng những hoạt động bồi đắp đảo quy mô lớn cũng như cách hành xử chung của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc và các mối quan hệ của nước này với các bên láng giềng, cũng như có thể với Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục