Việt Nam ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu

Việt Nam đã tiến hành các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, tăng cường các hệ thống bảo vệ xã hội.
Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu là mối đe dọa chính của thế kỷ này đối với phát triển bền vững, cũng như biến đổi khí hậu là do con người gây ra.

Để đáp ứng yêu cầu với vấn đề cấp bách của toàn cầu và của quốc gia, Việt Nam đã phê chuẩn Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu - là cơ sở để quy hoạch phân tích và hành động ở tất cả các ngành, địa phương của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo tiếp tục phát triển con người.

Những “cảnh báo” đối với Việt Nam

Biến đổi khí hậu đang diễn ra và Việt Nam là một trong những nước đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những tác động bất lợi của biến đổi khí hận như lũ lụt và hạn hán, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn, cũng như gia tăng các rủi ro về sức khỏe do các đợt nắng nóng gay gắt, sốt xuất huyết và sốt rét.

Biến đổi khí hậu chắc chắn gây ra tổng lượng mưa hàng năm cao hơn ở mọi nơi ở Việt Nam, ước tính trung bình cho cả nước là 5% trong thế kỷ 21, theo “kịch bản phát thải trung bình” và lượng mưa hàng năm sẽ dễ biến đổi hơn.

Lượng mưa trung bình đang giảm đi vào những tháng khô hơn (tháng 12 đến tháng 5) nhưng lượng mưa lại đang tăng lên trong các tháng ẩm hơn (tháng 6 đến tháng 11), nhất là ở các vùng miền Bắc. Do vậy, các trận lũ lụt và các vụ hạn hán trở nên dễ xảy ra hơn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, cấp nước và sản xuất thủy điện, cũng như thương mại và sản xuất công nghiệp ở các khu vực đô thị.

Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được xây dựng vào cuối năm 2008, Việt Nam đưa ra ước số mực nước biển dâng tính trung bình là 1m vào năm 2100. Do đó, Việt Nam là một trong những nước gặp nhiều rủi ro nhất trước mực nước biển dâng và xâm nhập mặn tăng cường.

Mực nước biển dâng đang tác động đến nhiều ngành kinh tế. Lượng nước biển dâng vào năm 2100 có thể làm ngập một diện tích đất là 30.945 km2 nếu không có các biện pháp gia cố đê điều và các hệ thống tiêu thoát nước. Diện tích ngập này bằng 9,3% diện tích đất bề mặt của Việt Nam. Đây là mối đe dọa lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực sông Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Hồng cũng như các vùng ven biển.

Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến việc tăng lên của nhiệt độ mặt nước biển ở các vĩ độ cao hơn của Thái Bình Dương và chắc chắn dẫn đến nhiều bão hơn ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, mùa bão đang diễn ra chậm hơn và sự đổ bộ của bão đã chuyển dịch xuống phía Nam Việt Nam với cường độ bão đã gia tăng. Những thay đổi đó cho thấy, các rủi ro đã ảnh hưởng đến người dân ven biển, nhất là hiện tượng nước biển dâng do bão, sau đến mưa to do các cơn bão đổ bộ, gây ra các vụ sạt lở đất lớn ở vùng cao.

Theo “kịch bản phát thải trung bình” so với năm 1990, nhiệt độ trung bình sẽ tăng gần 2 độ C ở các vùng miền Nam Việt Nam và tăng tới 2,8 độ C ở các vùng miền Bắc vào năm 2100. Song với “Kịch bản phát thải cao” thì nhiệt độ trung bình có thể tăng tới 3,6 độ C ở vùng ven biển miền Trung. Vì thế, nhiệt độ tối thiểu sẽ tăng và số ngày có nhiệt độ cao hơn 25 độ C sẽ nhiều lên.

Chiến lược tổng thể

Để thích ứng thành công trước biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tiến hành các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, tăng cường các hệ thống bảo vệ xã hội, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ sinh kế như khuyến nông, các khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng quy mô lớn “chống chịu với khí hậu” cũng như cải thiện nhiều hơn công tác quy hoạch công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Tại giai đoạn này, Việt Nam đã xây dựng các cơ cấu quốc gia theo yêu cầu của Công ước Khí hậu và Nghị định thư Kyoto, cũng như quy định liên quan. Việt Nam đã tôn trọng các cam kết báo cáo cho Công ước cụ thể là Thông báo quốc gia lần thứ nhất, quan tâm giải quyết cả phát thải khí nhà kính lẫn thích ứng.

Việt Nam đã xây dựng một Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu rất hoàn hảo, với các hành động tập trung vào giai đoạn 2009-2015, được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12 năm 2008 và hầu hết các bộ đang được huy động, thực hiện các giải pháp thích ứng.

Cũng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã trích dẫn trong Công ước Khung Liên hợp Quốc về Biến đổi khí hậu đó là “các trách nhiệm chung nhưng khác biệt”, nhất là về việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Do vậy, để hướng tới “một nền kinh tế ít phát thải”, Việt Nam đã xây dựng những mô hình áp dụng các kỹ thuật có tiềm năng giảm thiểu hoặc xóa bỏ phát thải gồm việc sản xuất và sử dụng khí sinh học từ phế thải động vật. Hệ thống thâm canh lúa cải tiến và nông nghiệp hữu cơ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải nông nghiệp ô nhiễm môi trường.

Việt Nam đã tăng thêm độ che phủ rừng từ 27% năm 1990 lên 38,2% năm 2007 thông qua chương trình tái trồng rừng. Một trong những ngành công nghiệp áp dụng Công nghệ hữu dụng tốt nhất tiết kiệm năng lượng, thực hiện các tiêu chuẩn quản lý năng lượng đó là công nghiệp ximăng đã thu được kết quả. Đồng thời, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng để mở rộng việc tạo ra năng lượng tái tạo, nhất là các năng lượng gió và mặt trời nhưng rất cần sự phối hợp và hỗ trợ của quốc tế.

Với những chính sách trong nước đúng đắn và mối quan hệ quốc tế tốt cũng như thiện chí chính trị của tất cả các bên, thì nỗ lực toàn cầu và quốc gia để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hy vọng sẽ thực hiện thành công. Nhưng trên tất cả vẫn là cơ hội tăng cường phát triển con người. Đấy chính là “khát vọng” phát triển mạnh nhất bất chấp biến đổi khí hậu đang diễn ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục