Vướng mắc đất rừng: Công ty ôm nợ, dân mơ sổ đỏ

Do vướng mắc đất đai, việc đổi tên lâm trường bản chất vẫn chỉ là "bình mới rượu cũ" đã khiến Công ty Yên Bình rơi vào cảnh nợ nần.
Quá trình sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh đã chuyển sang dạng thức Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi này bản chất vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ” đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý đất và thua lỗ kéo dài từ việc trồng rừng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Yên Bình (Yên Bái) là một ví dụ điển hình về thực trạng sử dụng đất rừng kém hiệu quả, dẫn tới việc "ôm" nợ suốt những năm qua.
Thế chấp tài sản “cứu” công ty
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Yên Bái, dư nợ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Yên Bình đến ngày 19/8/2011 là gần 4 tỷ đồng; trong đó nợ gốc là 2,74 tỷ, nợ lãi hơn 1,2 tỷ. Ngoài ra, công ty lâm nghiệp này còn nợ Công ty Việt-Nhật (ViJachip CL) khoảng 1 tỷ tiền vay chưa thể thanh toán. Ông Phạm Đăng Hân, Giám đốc Công ty Yên Bình cho biết, tính đến nay công ty đang "ôm" khoản nợ lên tới gần 6 tỷ đồng. Nợ mới đè lên nợ cũ đã gây sức ép rất lớn đến khả năng làm việc cũng như tình yêu nghề rừng của toàn thể công nhân viên. Hơn nữa, cũng vì khó khăn quá, nên công ty đã nhiều lần buộc phải  khai thác rừng non 4-5 tuổi (chưa đến tuổi khai thác) với giá trị thấp, hoặc thế chấp cây trồng trước kỳ thu hoạch. Theo tính toán của ông Hân, nếu khai thác rừng keo và bạch đàn từ 8-10 tuổi thì sản lượng sẽ đạt từ 100-150m3/ha, giá bán từ 70-100 triệu đồng. Còn khai thác ở thời điểm mới 4-6 tuổi thì sản lượng chỉ đạt 30-60%/ha và giá bán ở mức 15-30 triệu đồng.
 Vướng mắc đất rừng: Công ty ôm nợ, dân mơ sổ đỏ ảnh 1
Để "cứu" mình, Công ty Yên Bình phải thế chấp tài sản, khai thác gỗ non. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Không chỉ “ôm” nợ, Công ty Yên Bình còn thiếu trầm trọng lực lượng quản lý. Hiện công ty chỉ còn 8 cán bộ khung (trung bình mỗi người kiêm 3-4 chức vụ về mặt hành chính, kỹ thuật của công ty), nhưng hai năm nay cũng từng ấy con người phải quản lý hàng trăm hécta rừng trồng. Để tháo gỡ khó khăn trên đồng thời duy trì sản xuất, các tài sản đáng giá công ty đều đã cầm cố ở ngân hàng, hiện cán bộ và công nhân cũng đang phải thế chấp nhà cửa gia đình để vay vốn giúp công ty trồng rừng, chờ ngày “xóa” nợ. Ngoài ra, ông Hân cũng cho rằng đất rừng sản xuất của công ty đã qua nhiều chu kỳ (mỗi chu kỳ 7-8 năm) đã bạc màu, độ dốc lớn, phân bổ nhỏ xen kẽ với nhân dân trong vùng, nên quá trình quản lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong công tác bảo vệ, khai thác, diện tích rừng của công ty ở chân ven thường bị dân xâm lấn, chặt phá. “Cũng vì nhiều năm nay công ty không được tiếp cận vốn từ các ngân hàng, trái lại còn phải ‘gánh’ khoản nợ cũ lâm trường để lại, nên năm 2012 công ty hầu như không thể tổ chức trồng rừng tập trung được. Do đó, công ty buộc phải giao khoán 100% phần diện tích cho công nhân và nhân dân địa phương có đủ tiềm lực về vốn và quản lý giữ rừng, giữ đất cho công ty,” ông Hân thở dài nói. Nhìn thẳng thực tế, vị Giám đốc Công ty Yên Bình bày tỏ quan điểm, trong bối cảnh  công ty gặp khó khăn về vốn, sức ép về nhu cầu đất sản xuất của người dân tăng cao thì việc giao đất cho các hộ dân quản lý là một hướng đi đúng đắn. “Hơn nữa, nếu không giao khoán đất cho các hộ dân sản xuất, xóa đói giảm nghèo thì sớm muộn họ cũng sẽ lấn chiếm hết đất của công ty. Như vậy, tình hình về mâu thuẫn, tranh chấp sẽ rối hơn,” ông Hân lo lắng. “Ôm” đất, lo… mất rừng Theo báo cáo của Viện Tư vấn phát triển (CODE), kể từ khi sắp sếp rà soát lại diện tích đất nông-lâm trường, Công ty Yên Bình được giao quản lý gần 1.400 ha nhưng đến nay vẫn chưa đo đạc cắm mốc ranh giới; trong đó, rừng sản xuất hơn 1.000 ha (lâm trường quản lý được 613 ha, dân đang lấn chiếm 779 ha), rừng trồng phòng hộ 335 ha. Thực tế, hiện đất đai do Công ty Yên Bình quản lý đã bị người dân bản địa lấn chiếm hơn 80% diện tích đất rừng và vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều thôn, xã nơi có đất công ty lâm nghiệp quản lý. Trong khi đó, ông Phạm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch xã Đại Đồng, huyện Yên Bình cho biết phần lớn hộ dân trong xã chủ yếu sống dựa vào trồng rừng, còn diện tích đất nông nghiệp rất ít (chỉ có 66 ha), trong khi xã đang có trên 130 hộ nghèo (chiếm 16%). Một điểm khúc mắc khác là phần lớn đất rừng do Công ty Yên Bình quản lý và đất chính quyền địa phương quản lý thường xen kẽ nhau. Do đó, việc phân chia, phân định ranh giới diện tích giao khoán gặp rất nhiều khó khăn vì không có sổ đỏ. Nhiều hộ dân xã Đại Đồng cũng không giám dồn vốn vào đầu tư, chăm rừng, kể cả những hộ lấn chiếm từ xưa, dù rằng công ty lâm trường không đòi lại đất. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Cao Sơn, ở thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng được sử dụng 3 ha đất rừng, nhưng do phần đất đang sử dụng nguồn gốc không rõ ràng và không có sổ đỏ, nên gia đình cũng không giám đầu tư lớn, hay khai thác đúng chu kỳ. Chia sẻ với phóng viên Vietnam+, ông Sơn cho rằng 3 ha đang trồng rừng đã được gia đình khai phá từ xưa (từ lúc còn là đồi trống núi trọc), nhưng không có sổ đỏ và lẫn với đất lâm trường quản lý. Vì vậy, dù đang trồng rừng rất tốt, nhưng gia đình ông vẫn khổng thể yên tâm, bởi nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này để lấn chiếm, chặt phá rừng.  Cũng như ông Sơn, 60 hộ gia đình ở thôn Hồng Bàng bình quân đang sử dụng từ 2-3 ha rừng/hộ (hộ ít thì 0,5 ha, hộ quản lý tốt có tới 15 ha). Song, tất cả đều chung cảnh bất an về quyền sở hữu, lo mất đất, mất cây rừng vì không có sổ đỏ. Để giả quyết mối lo trên đồng thời góp phần đẩy lùi tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng, vị Giám đốc Công ty Yên Bình và ông Phó Chủ tịch xã Đại Đồng đều thẳng thắn kiến nghị đối với những phần diện tích đất đồi trống núi trọc hiện vẫn chưa có sổ đỏ, Nhà nước nên giao lâu dài cho tổ chức cá nhân quản lý. Tuy nhiên, ranh giới đất đai phải được khoanh vùng và có sổ đỏ rõ ràng. “Tôi nghĩ, nếu để từng hộ quản lý phần diện tích được giao, nhưng thắt chắt cơ chế quản lý nhà nước thì sẽ không có tình trạng thất thoát đất đai, mà cây rừng vẫn phát triển tốt,” ông Hân cho biết thêm./. Để từng bước tháo gỡ những bất cập trong quản lý đất nông-lâm trường quốc doanh, tạo cơ hội cho người dân có đất ổn định sinh kế về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần có một cuộc cải cách đất nông-lâm trường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Mời độc giải đón đọc bài 5- Lời giải nào cho bài toán quản lý hiệu quả đất rừng?
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục