14 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết trên toàn quốc

14 trường hợp tử vong vì bệnh sốt xuất huyết trên toàn quốc

Trong bảy tháng qua, bệnh sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố với hơn 44.800 trường hợp mắc bệnh, đáng lưu ý đã có 14 trường hợp tử vong.
14 trường hợp tử vong vì bệnh sốt xuất huyết trên toàn quốc ảnh 1 Trẻ điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo báo cáo công tác y tế tháng 7 của Bộ Y tế, trong bảy tháng qua, bệnh sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, đáng lưu ý đã có 14 trường hợp tử vong.

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 44.800 trường hợp mắc tại 46 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ 2015, số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 2,6 lần.

Riêng trong tháng Bảy, trên cả nước đã ghi nhận hơn 5.500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và đã có 2 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa. Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và miền Trung.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện lưu hành 4 tuýp virus sốt xuất huyết. Bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người đã mắc vẫn có thể mắc lại.

Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân phải đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; tích cực dọn dẹp nhà cửa; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Đặc biệt, khi ngủ người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Người dân khi có các dấu hiệu như sốt, xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị; không tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà, nhất là thuốc kháng sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục