Mất 20% vụ mùa

20% diện tích vụ mùa có thể bị tàn phá do hạn hán

Do lượng mưa thấp, hồ thủy lợi hiện gần như cạn kiệt nên 20% diện tích cây trồng ở các vùng hạn hán, xâm mặn có thể bị hư hại.
Thời gian qua, tại các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên nắng nóng kéo dài đã dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn lan tỏa trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trồng trọt và sinh hoạt của người dân.

Ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình Thủy lợi cho biết, do lượng mưa thấp, các hồ thủy lợi hiện gần như cạn kiệt nên khả năng thiếu nước cho cây trồng ở nhiều vùng vào cuối vụ Đông Xuân, đầu vụ Hè Thu là khó tránh khỏi.

“Để hạn chế thấp nhất mức thiệt hại, các địa phương trong khu vực trên cần rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa và chuyển đổi giống cây trồng, mùa vụ,” ông Hiển khuyến cáo.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Duy Hiển xung quanh vấn đề này.

Thiếu mưa, hồ thủy lợi “chạm” đáy

- Vừa qua, các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đó. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về tình hình hạn hán những tháng đầu năm?

Ông Đặng Duy Hiển
: Từ tháng 8/2012 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã bị thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn là do khí hậu ELSO (nhiệt độ nước biển tăng hoặc giảm không đều) hoạt động mạnh đã tác động xấu đến thời tiết và nguồn nước, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cuối vụ Đông Xuân 2012-2013, đầu vụ Hè Thu 2013 và nước sinh hoạt của nhân dân.

Hơn nữa, mùa mưa năm 2012 kết thúc sớm hơn bình thường 1-1,5 tháng, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-30%, chỉ tính riêng trong các tháng mùa mưa đã thiếu hụt khoảng 40%.

Từ tháng 1-2/2013, toàn khu vực vẫn ít mưa, ngoài ra còn xuất hiện vài đợt nóng kéo dài, một số nơi có mưa nhưng lượng mưa ít, lượng bốc hơi từ 400-600mm, có nơi 700mm.

- Vậy, các hồ chứa thủy lợi sẽ cung ứng nước như thế nào để giải “cơn khát” cho nông nghiệp?

Ông Đặng Duy Hiển: Hầu hết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và lớn trong vùng đều có dung tích chỉ đạt 40-50% công suất thiết kế, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn hoặc gần xuống đến mức nước chết không đủ tưới suốt vụ. Vì vậy, nguồn nước tưới cho cây càphê trong tháng 3, 4 gặp rất nhiều khó khăn.

[Các hồ thủy điện tiệm cận báo động mực nước chết]

Cụ thể, tính đến đầu tháng 12/2012, các hồ chứa thủy lợi hầu hết ở các tỉnh miền Trung đều thiếu hụt 30-50%, Tây Nguyên hụt 15-30% so với dung tích thiết kế. Cá biệt, một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk thì hồ chứa đều thiếu hụt từ 60-80%.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương phát triển và quản lý khai thác các công trình thủy lợi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tưới tiêu. Hiện, các công trình thủy lợi vẫn còn thiếu nên việc điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô còn chưa đáp ứng được yêu cầu, quản lý sử dụng nước mặt ruộng còn lãng phí, phương pháp tưới cho càphê chậm cải tiến, tiêu hao nước lớn…

Như vậy, khả năng các hồ thủy lợi sẽ khó đảm bảo việc xả nước để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.

- Thưa ông, việc thiếu nguồn nước có dẫn đến thực trạng xâm nhập mặn tới cây trồng và ảnh hưởng đến sản xuất không?

Ông Đặng Duy Hiển: Thời gian qua, các địa bàn trên hầu như không có mưa, mực nước sông hạ thấp, lưu lượng dòng chảy suy giảm nên nhiều cửa sông ở miền Trung đã bị xâm nhập mặn.

Tính đến nay, mực nước và dòng chảy trên các sông suối thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-60%, nhiều sông suối nhỏ bị cạn kiệt, đặc biệt là các sông từ Ninh Thuận đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Mực nước ngầm thấp hơn so với năm bình thường từ 1-2m, riêng Tây Nguyên xuống rất thấp, từ 2-3m.

Theo đánh giá của các cơ quan khoa học, năm 2013 xâm nhập mặn ảnh hưởng sớm hơn khoảng 1 tháng và vào sâu vào nội địa hơn năm bình thường (độ mặn tại nhiều trạm đo có trị số lớn hơn từ 5-10 lần so với cùng kỳ năm 2012).

Ngoài ra, hiện nay, nhiều địa phương sản xuất nông nghiệp chưa theo kế hoạch với nguồn nước hiện có. Rừng bị khai thác để lất đất sản xuất đã làm giảm độ che phủ, dẫn đến nguồn thủy sinh bị cạn kiệt nhanh ngay sau khi kết thúc mùa mưa.

Khoanh vùng, chuyển đổi cây trồng

- Tính đến thời điểm này, hạn hán và thiếu nước đã gây ảnh hưởng như thế nào tới vụ mùa của người dân thưa ông?

Ông Đặng Duy Hiển: Theo báo cáo của các địa phương, diện tích cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 đã bị hư hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn. Dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2013 sẽ thiếu nghiêm trọng, gây hư hại khoảng 20% diện tích cây trồng.

Theo dự báo, tại khu vực Bắc Trung Bộ, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ xuất hiện vào đầu vụ Hè Thu khi gió Lào hoạt động mạnh nhất từ tháng 6-7.

[Mùa khô 2013: Hạn hán, thiếu nước tiếp tục kéo dài]

Khu vực Nam Trung Bộ hiện có 17.277 ha cây trồng bị thiếu nước và xâm nhập mặn (lúa 15.627 ha, càphê 300 ha, cây trồng khác là 1.350 ha); trong đó hạn nặng, mất trắng 50 ha lúa. Bên cạnh đó, do không có mưa nên dòng chảy tại khu vực này suy giảm nặng, nồng độ mặn lên cao, gây ra hạn hán, xâm nhập mặn cuối vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu tới đây, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, sinh hoạt.

Khu vực Tây Nguyên hiện có 51.403 ha cây trồng bị thiếu nước và hạn hán (lúa 14.624 ha, càphê 34.396 ha, cây trồng khác 2.291 ha).

- Thưa ông, trước những thực trạng trên, các khu vực hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cần có những giải pháp gì để hạn chế thiệt hại nông nghiệp?

Ông Đặng Duy Hiển: Từ ngày 29/3 đến nay, Vụ Quản lý công trình Thủy lợi đã tham mưa để Tổng cục Thủy lợi lập các đoàn công tác phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Cục Trồng trọt tổ chức các cuộc họp thống nhất với các địa phương triển khai lịch tăng xả qua phát điện của các nhà máy thủy điện thuộc các lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Srepok, Sông Ba Hạ… khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phục vụ chống hạn cuối vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Bên cạnh đó, Vụ Quản lý công trình Thủy lợi đã phối hợp với các địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ xây dựng phương án chống hạn và triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán và thiếu nước như lắp đặt trạm bơm dã chiến, nạo vét, bơm mực nước chết từ các hồ chứa, tập trung mọi nguồn lực để tận dụng lấy nước trong thời gian xả nước các hồ thủy điện tạo nguồn để các trạm bơm nước tưới.

Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cũng đề nghị được hỗ trợ về kinh phí nạo vét kênh mương, hồ đập; hỗ trợ về giống cây trồng cạn cũng như mong muốn được dự báo thời tiết ngắn hạn hơn để các địa phương chủ động chỉ đạo kịp thời tới người dân.

Trước dự báo tình hình hạn hán còn khốc liệt hơn trong thời gian tới, Vụ Quản lý công trình Thủy lợi đề nghị các địa phương rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa và chuyển đổi  giống cây trồng, mùa vụ để hạn chế thiệt hại.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.


Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục